Các chất làm ngọt nhân tạo không thể giúp mọi người giảm cân, WHO nêu trong hướng dẫn mới, cảnh báo chống lại các sản phẩm như soda ăn kiêng.
Khuyến nghị của WHO dựa trên một đánh giá khoa học cho thấy các sản phẩm có chứa aspartame và stevia – thường được bán trên thị trường dưới dạng thực phẩm ăn kiêng – có thể không giúp giảm mỡ trong cơ thể về lâu dài.
“Mọi người nên giảm độ ngọt trong toàn bộ chế độ ăn uống” – Tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc WHO về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, cho biết.
Theo WHO, chất làm ngọt nhân tạo cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Type 2 và bệnh tim mạch cũng như tử vong cao hơn.
Hướng dẫn mới áp dụng cho tất cả các chất làm ngọt không đường, bao gồm các chất dẫn xuất từ cỏ ngọt và sucralose. Những sản phẩm như vậy được sử dụng rộng rãi và thường được thêm vào thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến, như soda dành cho người ăn kiêng, hoặc được bán riêng.
Tiến sĩ Branca chỉ ra, chất làm ngọt nhân tạo “không phải là yếu tố thiết yếu trong chế độ ăn uống và không có giá trị dinh dưỡng”.
Chúng cũng thường được sử dụng để thay thế đường trong thực phẩm và đồ uống chế biến cao, và do đó có thể khuyến khích chế độ ăn kiêng chất lượng thấp.
Các sản phẩm tiêu dùng phổ biến như Diet Coke và Diet Snapple, được đổi tên vào năm ngoái thành Zero Sugar Snapple, có chứa aspartame.
WHO cho biết, khuyến nghị mới áp dụng cho tất cả mọi người trừ những người đã mắc bệnh tiểu đường. Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã ban hành dự thảo hướng dẫn chống lại chất làm ngọt vào tháng 7 năm ngoái và để ngỏ để tham khảo ý kiến cộng đồng.
Trước đây, WHO khuyên người lớn và trẻ em nên hạn chế lượng đường nạp vào ở mức 10% tổng năng lượng tiêu thụ, nhấn mạnh mối liên hệ giữa lượng đường ăn vào ít hơn và cân nặng thấp hơn.