Chạy đua giải ngân hơn 10.000 tỉ đồng dự án Vành đai 3
Trong 4 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh chỉ giải ngân 2.511 tỉ đồng, đạt 6% trên kế hoạch vốn thành phố đã giao (41.526 tỉ đồng), tương đương 3,6% trên tổng mức vốn Thủ tướng giao (hơn 70.500 tỉ đồng).
Đến hết ngày 12.5, thành phố giải ngân 8.236 tỉ đồng, đạt 20% trên kế hoạch vốn của thành phố, tương đương tỉ lệ 12% trên tổng mức vốn Thủ tướng giao.
Như vậy, giải ngân vốn đầu tư công tại trong tháng 5 tăng hơn gấp đôi so với 4 tháng đầu năm cộng lại. Phần lớn vốn giải ngân được đến từ việc chi tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 3.
Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án Vành đai 3 qua TP Hồ Chí Minh), cho biết trong tháng 5 đã chuyển hơn 5.600 tỉ đồng cho các địa phương để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
“Tháng trước, Ban Giao thông mới giải ngân được 3%, nay nhờ chi bồi thường dự án Vành đai 3 mà tỉ lệ này tăng lên 30% (so với tổng số vốn được giao đợt 1). Tính trên toàn bộ vốn được giao của năm nay thì Ban Giao thông đã giải ngân đạt 17%” – ông Phúc cho biết.
Theo ông Phúc, dự kiến đến ngày 30.6, dự án Vành đai 3 sẽ được giải ngân hơn 10.000 tỉ đồng (gồm 8.000 tỉ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng và 2.000 tỉ đồng cho xây dựng). “Ban Giao thông đang phấn đấu đến hết ngày 30.6 đạt tỉ lệ giải ngân trên 35%” – ông Phúc nói.
TP Hồ Chí Minh đang rất kỳ vọng vào dự án Vành đai 3 để kéo tỉ lệ giải ngân chung của thành phố đạt trên 95%. Năm nay dự án Vành đai 3 được giao hơn 23.000 tỉ đồng, trong đó hơn 18.000 tỉ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Nhiều địa phương không giải ngân được tiền bồi thường
Ngoài dự án Vành đai 3, có tới gần 30% số vốn đầu tư công được TP Hồ Chí Minh bố trí cho các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm 2023. Tuy nhiên, công tác này được các địa phương triển khai rất chậm.
Theo ông Võ Trung Trực – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, năm 2023, thành phố có 134 dự án có bồi thường với tổng số tiền dự kiến 20.189 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 10.5, các địa phương giải ngân được 484 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 2,4%.
Thống kê cho thấy nhiều địa phương chưa giải ngân đồng nào, toàn bộ vốn còn nằm trong kho bạc như: Quận 3, 5, 7, 8, Bình Tân, Phú Nhuận, huyện Củ Chi và Nhà Bè. Một số địa phương được phân bổ vốn bồi thường lớn nhưng tỉ lệ giải ngân không cao có thể kể đến quận Bình Tân, Gò Vấp.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, hầu hết các địa phương chưa thực hiện đúng và đầy đủ các chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh khi chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Võ Trung Trực nêu tình trạng mời quận, huyện làm việc, nhưng quận, huyện lại cử cán bộ không có trách nhiệm, không nắm nội dung đi họp, không giải quyết được vấn đề.
“Với cách thức thực hiện như hiện nay, dự liệu khả năng giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao vốn bồi thường đến cuối năm 2023 chỉ đạt khoảng 70%, trong khi chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh là giải ngân trên 95%” – ông Trực nói.
Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân từng tháng, đảm bảo và cam kết tỉ lệ giải ngân cuối năm 2023 phải đạt trên 95%.
Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện công tác báo cáo tiến độ giải ngân vốn bồi thường, cũng như tham gia đầy đủ các cuộc họp do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Dự kiến trong tháng này, Sở sẽ mời trực tiếp Chủ tịch UBND các địa phương để rà soát, xử lý những vướng mắc cụ thể của từng địa phương.
Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản nhắc nhở chủ đầu tư, cơ quan chủ quản của 42 dự án xây dựng kế hoạch giải ngân năm 2023 không đạt 95%, hoặc kế hoạch chưa cụ thể.