Nhìn từ những môn trọng điểm
Điền kinh, ở hai kì gần nhất giành được suất chính thức là Olympic London (Anh) 2012 và Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016, chúng ta mới chỉ có các tuyển thủ nhận vé từ nội dung đi bộ 20 km, 400 m và 400 m rào nữ cùng nhảy cao nữ. Kì Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 thì chúng ta không có suất chính thức mà dự bằng suất mời trong nội dung 400 m rào nữ (Quách Thị Lan).
Tại SEA Games 32, những gương mặt đại diện cho Việt Nam dự các nội dung này và có huy chương là Nguyễn Thị Huyền (Huy chương Vàng 400 m rào, 56 giây 29), Nguyễn Thị Thanh Phúc (Huy chương Vàng đi bộ 20 km nữ, 1 giờ 55 phút 02 giây) hay Phạm Thị Diễm (Huy chương Bạc nhảy cao nữ, 1m77) có chỉ số chuyên môn chưa thể chạm tới chuẩn thành tích trao suất của Liên đoàn điền kinh thế giới cho Olympic Paris (Pháp) 2024.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục – Thể thao đồng thời là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 – ông Đặng Hà Việt đã nêu quan điểm nhóm các môn điền kinh và bơi chưa đạt được thành tích Huy chương Vàng đúng với chỉ tiêu đề ra… Đến SEA Games 32 lần này, ban huấn luyện đặt chỉ tiêu giành từ 14 đến 18 Huy chương Vàng. Thực tế thi đấu, đội tuyển chỉ giành được 12 Huy chương Vàng.
Trong khi đó, đội tuyển bơi đặt chỉ tiêu từ 8 đến 10 Huy chương Vàng tại SEA Games 32. Sau khi tranh tài SEA Games 32, các kình ngư chỉ đạt được 7 Huy chương Vàng.
Những gương mặt đáng chú ý
Chúng ta có những gương mặt của nhóm nội dung Olympic đã dự tranh SEA Games. Thế nhưng, họ chưa đạt được kết quả tốt nhất như chờ đợi. Trường hợp nữ tuyển thủ boxing Nguyễn Thị Tâm và nam võ sĩ boxing Nguyễn Văn Đương là hai sự cố đáng tiếc nhất. Cả hai đều gặp vấn đề sức khỏe ngay trên sàn đầu để rồi trọng tài xử thua nhằm đảm bảo an toàn cho họ.
Quan trọng nhất, Nguyễn Thị Tâm là niềm hi vọng thành tích Huy chương Vàng ở ASIAD 19-2022 lẫn cơ hội giành được vé Olympic lại chấn thương đứt dây chằng đầu gối. Một sự tiếc nuối khác là gương mặt nổi bật Nguyễn Thùy Linh của cầu lông sớm dừng bước tại tứ kết đơn nữ của môn đấu ở SEA Games 32. Điều này đồng nghĩa, Thùy Linh không còn cơ hội giành huy chương ở Campuchia lần này. Tại ngày thi đấu 14.5, nữ võ sĩ taekwondo số một của Việt Nam tại hạng 49 kg nữ cũng dừng bước ở chung kết do thua đối thủ quá mạnh Panipak Wongpattanakit (Thái Lan) và chỉ có được kết quả Huy chương Bạc. Trận thua là điều sớm dự báo vì Panipak Wongpattanakit là đương kim số một thế giới cũng như là nhà vô địch của Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 trong nội dung. Tại môn cử tạ, lực sĩ Hoàng Thị Duyên thất bại ở han 59 kg sở trường qua đó không bảo vệ được tấm Huy chương Vàng có từ năm trước mà chỉ đạt được Huy chương Đồng (206 kg tổng cử).
Ở đội tuyển bơi, ba cái tên được chờ đợi nhất là Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên và Phạm Thanh Bảo đã giành cho mình những tấm Huy chương Vàng SEA Games 32. Trong đó, Thanh Bảo có thông số tốt nhất khi giành Huy chương Vàng 100 m ếch 1 phút 00 giây 97) và 200 m ếch (2 phút 11 giây 45) qua đó cũng là hai kỉ lục mới của SEA Games. Môn bơi của SEA Games 32 kình ngư Jonathan Tan (Singapore) có suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 ở nội dung 50 m tự do nam.
Theo thống kê, chúng ta đã có Huy chương Vàng SEA Games 32 tại nhiều môn thuộc nhóm Olympic như golf, bóng bàn, boxing, taekwondo, judo, đấu kiếm, xe đạp đường trường, vật, thể dục dụng cụ, điền kinh, bơi, đấu kiếm… Tuy nhiên, những nội dung nằm trong chương trình thi đấu chính thức ở các môn trên tại Olympic Paris (Pháp) 2024 mà tuyển thủ Việt Nam có triển vọng giành được suất chính thức góp mặt vẫn chưa nhiều…