Gian nan tìm thuốc morphin
Cầm những ống thuốc morphin cuối cùng gần hết, chị N.T.T (con gái bệnh nhân) lại buồn rầu và đi tìm nhiều nơi để mua morphin. mẹ chị T được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối điều trị tại Bệnh viện Ung bướu nhưng do tình trạng bệnh không cải thiện nhiều nên bác sĩ cho về nhà.
“Lúc đó, bác sĩ có kê đơn thuốc morphin cho về nhà tiêm. Rồi theo hướng dẫn nếu hết thuốc lên xã xin xác nhận mẹ tôi còn sống và người nhà quay lại bệnh viện lấy thuốc được thêm 2-3 lần nữa. Giờ số lần lấy thuốc tại bệnh viện đã hết, mà đi mua ngoài không ai bán vì nó là thuốc kê đơn có chất gây nghiện nên không ai bán” – chị T. buồn rầu chia sẻ.
ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức – xác nhận, có thời điểm nguồn cung morphin dạng viên bị đứt gãy, bệnh nhân ngoại trú bị gián đoạn thuốc này dù có đơn đúng quy định.
“Tuy nhiên, chúng tôi còn morphin dạng tiêm, tức là loại chỉ dùng cho người bệnh nội trú. Do đó, ngay khi bệnh nhân nhập viện, bác sĩ sẽ tiêm thuốc để giảm bớt đau đớn và vẫn đảm bảo quy định, chỉ định, liều lượng” – bác sĩ Vũ nói.
Theo bác sĩ Vũ, một đơn morphin ngoại trú được kê dùng trong 10 ngày. Người nhà có thể nhận thuốc giúp với điều kiện có giấy xác nhận của trạm y tế xã. Tuy nhiên, tối đa 3 đơn thuốc (tương ứng 30 ngày), đích thân người bệnh phải lên gặp bác sĩ để được đánh giá tình trạng, mức độ đau và điều chỉnh đơn thuốc. Với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, đi lại là nỗi nhọc nhằn đến ám ảnh.
Thời gian 10 ngày/1 toa thuốc morphin là quá ngắn với bệnh nhân ung thư, chưa kể có thể rơi vào ngày nghỉ lễ. Khi gián đoạn thuốc, người bệnh sẽ rất đau, kéo theo người nhà cũng khổ sở theo. Bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh đã mệt mỏi nhưng ở tỉnh còn vất vả hơn, vậy mà chỉ được nhận mấy ngày thuốc.
Chỉ bệnh viện ung bướu mới được kê đơn morphin
Morphin là một thuốc thuộc nhóm giảm đau opioid, hay còn gọi là nhóm giảm đau gây nghiện (do liên quan đến nguy cơ lệ thuộc thuốc khi sử dụng thuốc không hợp lí, kéo dài).
Vấn đề sử dụng morphin hay opioid nói chung là một vấn đề cần thiết cho nhiều bệnh lí, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư.
TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh – cho biết, việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân ở các bệnh viện đã thay đổi nhiều, ngày càng nhiều bệnh nhân bị ung thư dễ dàng tiếp cận morphin vì những hiểu biết của nhân viên y tế ngày càng tốt hơn. Về phía bệnh nhân họ cũng am hiểu về morphin và opioid nên họ dễ dàng chấp nhận sử dụng morphin và opioid hơn.
Ví dụ hơn 10 năm trước, tại Bệnh viện Ung bướu với khoảng 10 nghìn bệnh nhân, trung bình 1 năm chỉ sử dụng 3.000-4.000 viên morphin. Nhưng tới thời điểm hiện tại, Bệnh viện Ung bướu là nơi sử dụng morphin nhiều nhất lên tới 200 nghìn viên morphin mỗi năm.
“Chúng tôi cảm thấy an tâm vì đã sử dụng morphin đúng mục đích là kiểm soát đau cho bệnh nhân và làm cho cuộc sống bệnh nhân tốt hơn, các bác sĩ và thân nhân bệnh nhân đã đồng hành sử dụng thuốc này.
Tuy nhiên, nếu chỉ Bệnh viện Ung bướu mang morphin cho bệnh nhân thì chưa đủ, đặc biệt là những bệnh nhân đã xuất viện về nhà việc sử dụng morphin cực kì khó khăn. Vì thực tế nếu bệnh nhân xuất viện đồng nghĩa với việc bệnh nhân không thể tới những nhà thuốc để mua được morphin mà phải có sự kê toa của bác sĩ, hiện nay chỉ có một số nhà thuốc được phép bán morphin” – bác sĩ Thịnh chia sẻ.
Sử dụng morphin là chiến lược cần có sự phối hợp hợp của toàn ngành y tế. Cần đưa morphin tới tuyến y tế cơ sở, thậm chí y tế tuyến tỉnh cũng cần có cơ số thuốc morphin để hỗ trợ những bệnh nhân ung thư tại tỉnh mình.
Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có sự huấn luyện đào tạo về tư duy của các cơ sở y tế, bởi không ít nhân viên y tế nghĩ rằng, morphin sử dụng dành cho bệnh nhân ung thư, nhưng thực ra morphin có thể sử dụng cho các chuyên khoa khác nếu đúng mục đích để chăm sóc cho bệnh nhân.
Tổ chức Y tế giới và Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh ghi nhận, có 85% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải chịu đựng cảm giác đau từ trung bình đến nặng, nếu không có morphin hay opioid thì phải chịu đựng cơn đau khủng khiếp.