Giả sử, U22 Việt Nam có giành vé vào chơi trận chung kết SEA Games 32, ai có thể tự tin khẳng định hoàn toàn xứng đáng? Và giả sử, U22 Việt Nam bảo vệ thành công huy chương vàng, điều gì sẽ xảy ra?
Vui mừng, hạnh phúc, dĩ nhiên rồi. Nhưng có lẽ, điều đó sẽ chỉ ở thầy trò huấn luyện viên Philippe Troussier phần nhiều. Bên ngoài, sự nghi ngại còn rất lớn.
Trở lại với thực tại, U22 Việt Nam không còn cơ hội bảo vệ huy chương vàng SEA Games sau thất bại 2-3 trước U22 Indonesia ở bán kết. Giờ đây, ngay trước mắt là cơ hội giành huy chương đồng, với trận gặp U22 Myanmar.
Nhưng ngay cả cơ hội này cũng đang bị đặt dấu hỏi…
Sẽ có nhiều khía cạnh được đặt ra trong bối cảnh U22 Việt Nam đang ngập trong sức ép từ sự thất vọng lớn là việc “không bảo vệ được huy chương vàng” và “không có lối chơi”. Nếu giành huy chương đồng, sẽ là những nhận định về “giải an ủi”. Nếu không thắng được Myanmar, sẽ là “sự nối dài của nỗi thất vọng”.
Nhưng, trong khi người ta dễ nhìn vào những điểm không tích cực, những sai sót, những góc độ chưa hoàn thiện để phán xét, điều huấn luyện viên Troussier và các học trò cần làm là “biến đau thương thành hành động”.
Những giọt nước mắt đã rơi, nhưng khi đã khô đi, nó để lại điều gì cho các cầu thủ? Sự giận dữ (bên trong) đã xuất hiện, nhưng bình tâm lại, Troussier nhận ra điều gì?
Phải chăng ông đã hơi vội vàng trong việc yêu cầu các học trò thực hiện theo triết lý của mình với cường độ cao, với yêu cầu khắt khe, dù biết kinh nghiệm thực chiến của họ là không nhiều?
Hay phải chăng, tuổi trẻ đã khiến các cầu thủ có phần nâng cao bản thân chỉ sau trận đấu tốt với U22 Thái Lan?
Cho dù là gì, lúc này, U22 Việt Nam đang ở đúng vị trí của mình. Điều quan trọng tiếp theo là, họ phản ứng thế nào sau cú ngã? Tấm huy chương đồng có giải quyết được áp lực? Có thể có, mà cũng có thể không.
Vì sao? Vì có huy chương mà đá không tốt thì sức ép thậm chí còn đầy thêm. Nhưng ngược lại, ra sân và chơi với một thái độ đúng đắn, đó sẽ là viên gạch cho bước đi tiếp theo.
Thông thường, về tâm lí, sau biến cố, sự thâm trầm là điều được thể hiện rõ nhất. Kể cả khi ông Troussier có cố gắng xoa dịu, giúp các cầu thủ thoải mái, họ hẳn nhiên không thể cười đùa như thường lệ.
Mỗi người một suy nghĩ, nhưng điểm chung bên trong là “sóng lòng”, với điều hướng đến là làm gì để vượt qua? Lúc này, họ thực sự cần một bàn tay dìu dắt. Để họ tự đứng dậy cũng được, nhưng thời gian không cho phép.
Do vậy, quyết định nhân sự của Troussier cho trận đấu với Myanmar sẽ rất quan trọng. Tiếp tục tin đội hình đã thua U22 Indonesia hay dành cơ hội cho những nhân tố đã chơi tốt ở trận gặp U22 Thái Lan?
U22 Myanmar có thể không mạnh như U22 Thái Lan và U22 Indonesia nhưng quyết tâm của họ có thừa. Bởi không phải là một trong những quyền lực tại Đông Nam Á, nên huy chương nào với họ cũng giá trị.
U23 Myanmar từng 1 lần vào chung kết SEA Games (thua U23 Thái Lan năm 2015), 3 lần đá trận tranh huy chương đồng, với 2 chiến thắng – trong đó có tỉ số 4-1 trước U23 Việt Nam vào năm 2011.
Nếu sự yếu đuối vẫn còn trong những bước chạy của Nguyễn Văn Tùng và các đồng đội, U22 Myanmar sẽ không ngại ngần mà tận dụng cơ hội nhấn chìm họ. Vậy nên, dù thất vọng, người hâm mộ Việt Nam vẫn rất trông chờ, rất muốn thấy U22 Việt Nam đứng dậy, kiểm nghiệm sự cứng cỏi về tâm lí của mình…
Trận tranh huy chương đồng giữa U22 Việt Nam và U22 Myanmar diễn ra lúc 16h00 ngày 16.5, tường thuật trực tiếp trên VTV5, FPT Play.