Về sản lượng tiêu thụ trong nội địa, theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và VinFast, Hyundai Thành Công, các nhà phân phối lớn đều cho kết quả kinh doanh đang suy giảm ở mức 2 con số.
Cụ thể, sau 2 tháng tăng trưởng sức mua, thị trường ôtô trong nước lại lao dốc. Trong tháng 4, toàn thị trường tiêu thụ 30.799 xe, giảm hơn 40% so với tháng 3. Tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, toàn thị trường tiêu thụ khoảng 117.600 xe, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà phân phối sản phẩm ôtô hàng đầu tại thị trường Việt như Savico, Haxaco hay TMT đều báo cáo bức tranh ảm đạm về sức mua trong quý I/2023 và tháng 4.2023.
Bộ Tài chính cho biết, số thu ngân sách từ ôtô (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và lệ phí trước bạ) trong quý I/2023 cũng thấp hơn 27% so với cùng kì năm 2023.
Ở phía Bộ Công Thương, tình hình sản xuất lắp ráp, nhập khẩu ôtô trong tháng 4.2023 và lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 cũng đang chứng kiến sự sụt giảm ở mức 2 con số. Sản lượng ôtô lắp ráp trong tháng 4 đạt khoảng 29.500 xe, lũy kế 4 tháng đạt 109.500 chiếc, giảm 19,3% so với cùng kì năm trước.
Ở phương diện nhập khẩu, qua 4 tháng đầu năm chứng kiến lượng xe chuyên dùng nhập khẩu đạt 9.647 chiếc, trị giá 271 triệu USD, so với cùng kì năm ngoái sụt giảm 6,9%.
Điểm sáng hiếm hoi của thị trường ôtô trong 4 tháng đầu năm 2023 nằm ở nguồn cung xe dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam đang tăng mạnh so với cùng kì. Cụ thể, 4 tháng qua lượng xe về cảng đạt 44,85 nghìn chiếc, tương ứng giá trị khoảng 933 triệu USD, tăng 51,7% so với cùng kì năm 2022.
Con số tăng trưởng hiếm hoi này đến từ việc năm nay nhiều hãng có các dòng xe ra mắt phiên bản nâng cấp dòng đời (facelift) cũng như nhiều sản phẩm và các hãng xe mới đang chuẩn bị chào sân tại thị trường Việt. Tuy nhiên, lượng linh kiện phụ tùng xe dưới 9 chỗ qua 4 tháng nhập khẩu chỉ đạt 1,29 tỉ USD, giảm 26,4% so với cùng kì năm trước.