“Đất rừng phương Nam” được Đoàn Giỏi viết năm 1957, lấy bối cảnh là miền Tây Nam Bộ vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm.
Bằng sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế với lối hành văn của mình, ngòi bút của ông làm sống lại khung cảnh thiên nhiên Nam Bộ hoang sơ mà hấp dẫn khó tả thời bấy giờ.
Đó là những cánh rừng bạt ngàn, phía dưới là những dòng nước len lỏi. Nơi đại ngàn đầy nắng và gió ấy tôm cá nhiều vô kể xen lẫn trong đó là mùi đất ẩm ướt mát lành với những con vật dữ dằn.
Bối cảnh rộng lớn, từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang – Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau.
Năm 1997, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn một lần nữa làm sống dậy tác phẩm “Đất rừng phương Nam” qua bộ phim truyền hình nổi tiếng “Đất phương Nam”.
Bộ phim “Đất phương nam” với nhiều cảnh quay tại rừng U Minh thuộc vùng đất mũi Cà Mau, tới nay đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của dải đất phương Nam với tấp nập những ghe thuyền lúc nào cũng đầy ắp lúa gạo, hoa quả, hàng hóa.
Ở phim truyền hình, những vai diễn gắn liền với cảnh đất rừng như Võ Tòng được miêu tả là “suốt ngày chạy trong rừng đước bùn đặc quánh, lởm chởm những gốc đước vạt nhọn, đâm nát cả chân”, “chịu đựng bù mắt, muỗi mòng của rừng đước bu kín mặt mày tay chân suốt từ sáng tới chiều tối, ngày nào cũng gãi vì nổi ghẻ”, hoặc cảnh đánh nhau với cá sấu dữ dằn, diễn viên cũng “bị ngộp mấy lần và uống mấy bụng nước sình”,…
Không chỉ là tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”, phim truyền hình “Đất phương nam” cũng sẽ thiếu đi cái hồn nếu như không nhắc tới những con người chất phác, hiền lành nơi đây.
Đó là thầy giáo Bảy, người tiếp thêm động lực sống cho cậu bé An khi bị đuổi học. Những lời chia sẻ của thầy giáo Bảy không chỉ dành cho An, mà còn gián tiếp thể hiện sự cứng rắn, kiên cường của những người dân yêu nước trong thời cuộc loạn lạc thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ.
Đó là ông Hai bán rắn, quanh năm phải đi ở đợ làm thuê cho địa chủ, bị chúng cướp công, đánh đập nhưng không chịu khuất phục, một lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc.
Đó là chú Võ Tòng, dù khổ nhưng một lòng sống liêm khiết. Đó còn là cậu bé An tinh ranh, lanh lợi và có óc phán đoán. Là dì Tư béo chất phác, lương thiện, sẵn sàng cưu mang đứa trẻ đi lạc hay gia đình thằng Cò đã ấm áp nhận An làm con nuôi.
Qua chuyến hành trình đi tìm ba của cậu bé An, khán giả sẽ được khám phá sự trù phú của thiên nhiên, nét đẹp văn hóa, bản sắc của vùng đất Nam bộ.
Tất cả những điều ấy đã tạo nên một bản anh hùng ca về tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”.
Trong văn đàn Việt, Đoàn Giỏi được đánh giá là một trong những cây bút đầu của dòng văn học sinh thái, môi trường, khi ngòi bút của ông từ lâu đã dấn thân, chủ động viết về môi trường để bảo vệ cuộc sống xanh, bảo vệ thiên nhiên.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng khẳng định: “Văn của Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành, trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ..”.
Đến nay, phiên bản điện ảnh do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cầm trịch sau gần 2.000 ngày chuẩn bị đã chính thức khai máy vào tháng 12.2022 và hiện đang là một trong số bộ phim điện ảnh Việt được kỳ vọng nhất năm 2023.