Bộ phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao” thực hiện chủ yếu tại bối cảnh dựng tạm trong khu nhà trọ ở chợ Long Biên.
Theo NSƯT Hoàng Hải chia sẻ, do lịch quay dày, liên tục, kéo dài trong nhiều tháng nên đoàn phim không thể thuê mượn khu trọ của người dân, nên phải dựng tạm những căn nhà tồi tàn bên cạnh đống rác ở chợ Long Biên để quay.
“Người dân ở khu trọ đều có hoàn cảnh khó khăn, buôn bán mưu sinh vất vả. Đoàn phim không thể quay tại đó, bởi cư dân ở đây còn sinh hoạt, nghỉ ngơi. Chúng tôi phải dựng tạm bối cảnh quay gần đó. Nhiều ngôi nhà tồi tàn được dựng ngay giữa bãi rác của khu chợ. Nội thất được tận dụng từ các đồ cũ” – NSƯT Hoàng Hải nói.
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, diễn viên Thanh Hương cho biết, trận mưa to ngày 7-8.5 vừa qua đã khiến bối cảnh “Cuộc đời vẫn đẹp sao” ngập nặng. Đoàn phim gặp nhiều khó khăn.
Đạo diễn Trọng Trinh từng kể, việc đi thuê mướn bối cảnh vốn mang lại muôn chuyện “cười ra nước mắt” cho các đoàn làm phim.
“Có lần, chúng tôi tìm mãi mới được căn nhà ưng ý, phù hợp với câu chuyện phim. Thuyết phục mãi chủ nhà cũng đồng ý cho thuê. Nhưng đang quay dở thì vợ chồng người ta “chiến tranh lạnh”, mặt nặng mày nhẹ ra vào, khiến đoàn phim bối rối. Trường hợp khác, gia đình chủ nhà có việc đột xuất như tiệc tùng, tụ họp… hay những việc lớn hơn, họ không muốn cho đoàn phim thuê nữa khiến chúng tôi khổ cực, thuyết phục. Tiến độ quay bị ảnh hưởng. Nhà nào cũng thế thôi, tự nhiên có mấy chục người lạ đến, sắp xếp lại đồ đạc, quay phim ồn ào, tranh luận… liên tục như thế trong nhiều ngày ròng sẽ thấy rất phiền. Chúng tôi hoàn toàn hiểu nỗi khổ của các chủ nhà, nên luôn phải nói khó với họ”.
Theo đạo diễn – NSND Trọng Trinh, do kinh phí của phim truyền hình còn eo hẹp, lại chịu áp lực về tiến độ sản xuất, vừa quay vừa phát sóng, nên rất khó để đầu tư “khủng” cho bối cảnh.
Đạo diễn – NSND Khải Hưng nói, “Tìm được bối cảnh để thuê cũng rất khó. Đôi khi, tìm được căn nhà ưng ý về mặt hình ảnh, nhưng máy xúc, máy ủi xung quanh lại hoạt động ầm ầm, tiếng ồn nhiễu loạn, không thể quay được. Tìm căn nhà tĩnh lặng, đủ yên ắng để quay và thu tiếng đồng bộ, lại không ưng về mặt hình ảnh. Việc không có trường quay sẽ dẫn đến muôn chuyện khó khăn như thế”.
Có những ngôi nhà phải thuê đi thuê lại nhiều lần, quay từ phim này sang phim khác. Khán giả từng phát hiện ngôi nhà trong bộ phim “Về nhà đi con” chính là bối cảnh của “Nhà trọ Balanha”.
Nhiều đoàn phim còn gặp chuyện “dở khóc dở cười” theo cách khác. Đạo diễn Bùi Huy Thuần kể rằng, khi làm phim “Ngôi biệt thự màu tro lạnh”, không một nhà dân nào chịu “chứa” đoàn phim, bởi họ không muốn người xem nghĩ rằng nhà mình là nhà của quan tham, lại có cả mấy xác chết bên trong.
Bộ phim “Chủ tịch tỉnh” cũng không thể thuê mướn được bối cảnh khi kịch bản làm về vấn nạn tham nhũng của quan chức tỉnh. Khi đoàn phim đi tìm bối cảnh, đặt vấn đề, hầu hết các UBND tỉnh đều “lảng” đi.
Cuối cùng, UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý giúp đỡ, với điều kiện đoàn phim phải thêm thắt chi tiết để tránh gây hiểu lầm cho khán giả.
Trao đổi với phóng viên Lao Động về phim truyền hình hiện nay, đạo diễn – NSND Khải Hưng chia sẻ, kể từ thời ông còn giữ chức Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (trực thuộc VTV), đạo diễn đã luôn đau đáu xây dựng được trường quay để sản xuất phim.
“Tôi đã đi nhiều nơi, ở quốc gia nào cũng có hệ thống trường quay rất chuyên nghiệp. Ngay như ở Hoành Điếm, không chỉ trường quay hoành tráng, còn có cả khu làng dành riêng cho diễn viên quần chúng. Họ là bộ máy công nghiệp với đầy đủ tiện nghi để sản xuất phim chuyên nghiệp.
Trong khi, chúng tôi lại quá khó để có được một trường quay. Từ thời của tôi, chúng tôi chỉ mong có được mảnh đất nhỏ, trên đó dựng vài ngôi nhà, để việc quay phim được tiện lợi, nhưng vẫn chưa có được.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, việc sản xuất phim hiện nay đã khác hơn, công nghệ trang thiết bị được đầu tư hiện đại, thu tiếng đồng bộ, nên nhu cầu có trường quay riêng sẽ càng cấp thiết. Chưa kể, tiến độ sản xuất phim cũng ngày càng đòi hỏi phải nhanh, số lượng phim sản xuất để liên tục lên sóng trên 2 kênh ngày càng nhiều…” – Đạo diễn, NSND Khải Hưng nói.