Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), trình Quốc hội trong thời gian tới.
Trong Dự thảo Luật Căn cước quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam.
Về nội dung trên, theo Bộ Công an, khoản 10 Điều 3 và Điều 7 dự thảo Luật quy định rõ việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Theo đó, người gốc Việt Nam gồm: Người từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống; Con ruột, cháu ruột của người nêu trên.
Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân của người gốc Việt Nam có giá trị chứng minh thông tin về căn cước của người đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu người gốc Việt Nam xuất trình giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra; được sử dụng số định danh của người gốc Việt Nam trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người đó trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc cấp số định danh của người gốc Việt Nam, cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước;
Thông tin được thu thập, cập nhật, lưu trữ và việc khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và việc quản lý người gốc Việt Nam.
Việc thu thập, cập nhật thông tin về người gốc Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước giúp quản lý chặt chẽ hơn đối với những người này;
Các cơ quan nhà nước không phải thực hiện các hoạt động điều tra, thu thập thông tin của công dân và người gốc Việt Nam một cách đơn lẻ trong hoạt động quản lý nhà nước như xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển có sử dụng thông tin cá nhân để phân tích, đánh giá, dự báo; giảm nhân lực và đầu mối cần bố trí để quản lý thông tin cá nhân.
Trong quá trình thu thập thông tin về người gốc Việt Nam, cơ quan Công an phải phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, rà soát và xác minh rất kỹ lưỡng trước khi thu thập, cập nhật thông tin của họ vào cơ sở dữ liệu để quản lý; các bộ, ngành, địa phương được khai thác, sử dụng các thông tin này để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình khai thác, sử dụng các thông tin này, khi có biến động về thông tin hoặc điều chỉnh thông tin của cơ quan có thẩm quyền thì Bộ Công an sẽ thu thập, kiểm tra và điều chỉnh cho phù hợp.
Chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ; đồng thời, tạo thuận lợi trong việc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ và giải quyết chế độ chính sách cho người gốc Việt Nam đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Trường hợp người gốc Việt Nam không được thu thập thông tin, dữ liệu và quản lý mà vi phạm pháp luật thì cơ quan nhà nước sẽ không có thông tin để tra cứu, xác minh, gây khó khăn cho việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.