Chậm tiến độ gây thiệt hại ngân sách, ảnh hưởng đời sống người dân
Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội được phân chia thành 9 gói thầu xây lắp thiết bị chính, tạo ra nhiều giao diện giữa các gói thầu, làm phát sinh điều chỉnh thiết kế và vướng mắc, khó khăn trong quá trình lập, phê duyệt thiết kế điều chỉnh và dự toán phát sinh gây chậm trễ tiến độ.
Chính vì vậy, mới đây, UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2023 và đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).
Thứ hai, UBND TP Hà Nội xin điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 34.826 tỉ đồng (tăng thêm 1.916 tỉ đồng, trong đó ngân sách thành phố tăng 3.895,93 tỉ đồng và giảm vốn vay ODA 1.979,93 tỉ đồng).
Còn tại Thông báo 175/TB-VPCP ngày 11.5.2023, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương thẩm định Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo để trình Thủ tướng trong tháng 5.2023.
Dự án đường sắt Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo phải điều chỉnh do thời gian triển khai kéo dài, chi phí tăng. Trọng tâm điều chỉnh là tăng tổng mức đầu tư dự án từ 19.555 tỉ đồng lên 35.678 tỉ đồng (tăng thêm hơn 16.123 tỉ đồng).
Có thể thấy, hiện nay, chỉ có một tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại. Các dự án còn lại đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh thời gian nhiều lần và tăng tổng mức đầu tư. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống hàng ngày của người dân.
Một số ý kiến cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư và tư vấn lập dự án khi tính toán tổng mức đầu tư không đúng với tình hình thực tế, phải liên tục điều chỉnh.
Cần thay thế ngay nhà thầu yếu kém
Ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam – cho biết, các dự án lớn này đều thiếu sự phân công trách nhiệm, quyền hạn của các cấp.
Theo ông Nghiêm, khi đã có sai phạm được phát hiện trong quá trình thực hiện thì phải có sự vào cuộc của các đơn vị chịu trách nhiệm, sau đó là bộ ngành và địa phương.
Ông Nghiêm cho biết, phần lớn các dự án đều sử dụng vốn ODA nhưng đều phải gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện, chậm phát huy hiệu quả. Việc chậm tiến độ gây ra những thiệt hại đến chi phí phát sinh.
Còn chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nêu rõ, quá trình thực hiện xây dựng tuyến đường sắt đô thị gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như việc thiếu những hành lang pháp lí liên quan đến việc xây dựng; thành phố chưa có quy hoạch về không gian ngầm dẫn đến khó khăn trong quá trình tiến hành kết nối với hệ thống giao thông trên mặt đất trong giai đoạn hoàn thiện.
“Cần thay thế ngay nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực làm việc. Đồng thời, phải truy cứu trách nhiệm và có chế tài xử lí” – ông Thủy đề nghị.
Việc thiếu nhân lực có chuyên môn giỏi, đặc biệt là chuyên môn trong vận hành và khai thác đường sắt đô thị trên cao, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thi công dự án.
Theo ông Thủy, nếu chỉ trông chờ nguồn vốn ngân sách hay ODA, sẽ không biết khi nào mới có thể hoàn thành các dự án metro theo quy hoạch. Không còn cách nào khác là phải huy động nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, để huy động được, cần có các cơ chế đột phá, khi nhà đầu tư tư nhân thấy hấp dẫn, họ chắc chắn sẽ tham gia.
Với dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội, UBND TP Hà Nội cho hay, hiện nhiều hợp đồng gói thầu không thể gia hạn và thanh toán do dự án chưa hoàn thành các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng chủ đầu tư vẫn phải thúc các nhà thầu tiếp tục triển khai các hạng mục công việc để bảo đảm tiến độ khai thác vận hành đoạn trên cao trong năm 2023.
Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án gồm thi công, giải ngân, thanh toán cho nhà thầu và rà soát, đàm phán điều chỉnh các hiệp định vay, các hợp đồng gói thầu… đồng thời với việc thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư để không làm gián đoạn quá trình thực hiện dự án.