Cơ sở sơ chế chân gà rút xương “hành” khu dân cư
Ngày 14.5, phản ánh thông tin đến phóng viên Lao Động, đại diện tập thể nhân dân, cử tri xóm 8, thôn Quang Lang Đoài (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho biết: Khoảng hơn 3 tháng trở lại đây, cuộc sống, sinh hoạt của họ bị đảo lộn, ảnh hưởng nặng nề vì môi trường xung quanh khu dân cư bị ô nhiễm bởi mùi khét, hôi thối hắt ra từ cơ sở sơ chế chân gà mới hoạt động trên địa bàn.
Theo người dân, dù họ đã nhiều lần có ý kiến đến chính quyền địa phương về sự việc, song đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết, xử lý triệt để.
Từ phản ánh nói trên, chiều nay (15.5), phóng viên Lao Động đã trực tiếp có mặt tại địa phương để xác minh, tìm hiểu thông tin cụ thể.
Đưa phóng viên đi khảo sát 1 vòng xung quanh khu vực bị phản ánh bị ô nhiễm, anh Đỗ Phi Hải (35 tuổi, trú xóm 8, thôn Quang Lang Đoài (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) bức xúc cho biết: “Suốt thời gian qua chúng tôi phải sống trong cảnh ô nhiễm, hôi thối như thế này. Xưởng sản xuất này có 2 khu, khu bóc thịt chân gà khỏi xương nằm sát đường lớn, khu sấy chân gà nằm trong khu dân cư mới quy hoạch đấu giá, trước là khu cánh đồng muối cũ. Họ mang xương, thịt chân gà vào đây sấy ngày, sấy đêm, khi chúng tôi có ý kiến thì họ không sấy ban ngày nữa mà sấy từ khoảng hơn 17h chiều đến hết đêm”.
“Các thùng hóa chất, xương chân gà, củi khô họ để ngổn ngang cả ra đường nội khu, chắn ngang lối đi lại. Chủ xưởng còn cho lợp mái tôn khung sắt bắc ngang đường như thể đó là đất nhà họ vậy. Lúc họ sấy chân gà, tiếng ồn từ lò sấy, quạt công nghiệp gây ầm ĩ cả khu dân cư.
Mùi hôi thối cộng mùi hóa chất trộn lẫn nhau bốc lên, từ người già đến trẻ con đều cảm thấy hôi thối, ruồi nhặng bâu kín, buồn nôn không ngủ nổi. Hôm nào trời mưa thì mọi thứ rác thải, đồ đạc dạt ra đường”, anh Hải cho biết thêm.
Dân phản ánh mấy lần, báo chí làm việc UBND xã mới “kiểm tra, xử lý ngay”
Dù mới chỉ đứng cách gần xưởng sấy, sơ chế chân gà nói trên cỡ 300 mét, chúng tôi đã cảm nhận rõ rệt mùi hôi thối, xú uế kết hợp nắng nóng trộn lẫn với nhau bốc lên nồng nặc, xung quanh ruồi nhặng bay rất nhiều.
Bên cạnh đó, có hàng chục bao tải đựng đầy xương chân gà (đã róc thịt và da), củi đốt lò sấy, thùng phi nhựa, xe lôi tự chế để ngổn ngang ra đường mà không được che đậy, bao phủ kín.
Liên quan sự việc, trả lời phóng viên Lao Động cùng chiều 15.5, ông Tạ Duy Bình – Chủ tịch UBND xã Thụy Hải – cho biết: “Đúng là chỗ này họ mới làm mấy tháng trở lại đây, chủ cơ sở là vợ chồng ông T bà D, người ở địa phương. Người dân cũng có mấy lần trực tiếp lên xã phản ánh, chúng tôi đã cho kiểm tra và gọi chủ cơ sở lên xã để làm việc, cam kết rồi. Họ hứa đến hôm nay, tức ngày 15.5 sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm. Sau ngày 15.5 nếu vẫn còn để như vậy thì xã sẽ xuống kiểm tra, xử lý”.
Vẫn theo Chủ tịch UBND xã Thụy Hải, ngay sau khi trao đổi với phóng viên, vào sáng mai (16.5), xã sẽ thành lập tổ công tác xuống cơ sở để kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tình trạng sử dụng đất đai, xây dựng tại cơ sở sơ chế, chế biến chân gà nói trên.