Thấy gì từ việc giảm giá xăng 1.300 đồng/lít?
Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vừa có đơn gửi Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, để tránh cảnh kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng vì những bất cập tại Nghị định này.
Theo cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trong quá trình xây dựng Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp không được mời tham gia góp ý kiến, trong khi họ là thành phần rất lớn tham gia thị trường.
Điều này dẫn đến việc Nghị định xây dựng không dựa trên cơ sở khách quan mà luôn có lợi cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Lẽ ra doanh nghiệp đầu mối chỉ thực hiện chức năng chuyên nhập hàng, không được tham gia trực tiếp vào khâu bán lẻ. Nếu muốn bán lẻ thì phải lập công ty, doanh nghiệp chuyên bán lẻ hạch toán độc lập. Có như thế mới tách bạch và khách quan về chi phí, về lợi ích của các bên.
“Từ đó dẫn đến rất nhiều sai lầm và gây ra hệ lụy về thao túng nguồn hàng, chặn không cho doanh nghiệp bán lẻ mua hàng khi điều chỉnh giá có lợi để hưởng chênh lệch giá và xả hàng khi giá có xu hướng giảm”, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nêu.
Cũng theo kiến nghị, bởi không quy định mức tối đa hay tối thiểu là bao nhiêu nên doanh nghiệp đầu mối tự ý hạ chiết khấu xuống 0 đồng khi cần thiết và nâng lên trên 1.000 đồng nếu muốn xả hàng để giảm lỗ khi giá có xu hướng giảm sâu.
Cụ thể đợt giảm giá vừa qua, giá xăng giảm 1.300 đồng/lít, trước đó, doanh nghiệp đầu mối tăng chiết khấu lên 1.000 – 1.200 đồng/lít để xả hàng giảm lỗ và gọi điện kêu mua hàng với mục đích giảm lỗ.
Khi giá có xu hướng điều chỉnh tăng, doanh nghiệp đầu mối lại giảm chiết khấu xuống xấp xỉ 0 đồng và tiến hành bán hạn chế, bán theo tiến độ, thậm chí là thông báo hết hàng.
Nhưng ngay sau khi điều chỉnh tăng giá xong, được hưởng chênh lệch thì báo có hàng và bán tự do.
Chiêu lách luật của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khi không được nhập hàng từ nhiều nguồn
Theo cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, họ không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức đáng được hưởng chỉ vì trong Nghị định 95 quy định không rõ ràng, không ghi cụ thể tỉ lệ chi phí và lợi nhuận định mức giữa khâu bán buôn và bán lẻ.
Chính vì không phân chia rõ tỉ lệ các khâu nên doanh nghiệp bán lẻ luôn bị thiệt thòi và bất lợi hoàn toàn.
Trao đổi với Lao Động, ông Giang Chấn Tây – Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, do Nghị định 95 không cho phép doanh nghiệp bán lẻ được mua hàng từ nhiều nguồn nên nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã thành lập thêm các công ty con của gia đình để đối phó, nhằm lấy được nhiều nguồn hàng cho hợp pháp theo quy định là 1 doanh nghiệp bán lẻ chỉ lấy được 1 nguồn hàng duy nhất.
Điều này làm tăng thêm số lượng doanh nghiệp, nhưng chất lượng không tăng, gây phức tạp thêm cho việc quản lý của chủ doanh nghiệp khi cùng lúc quản lý tới 3 – 4 con dấu, phải điều phối vốn giữa các doanh nghiệp…
Về mặt quản lý nhà nước cũng phức tạp hơn, nhất là trong quản lý thuế dù thu thuế không hề tăng thêm đồng nào.
Từ những lý do trên, các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng lập tổ đánh giá lại Nghị định 95, đồng thời việc sửa đổi Nghị định phải được lấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp bán lẻ. Nhóm này mong muốn Thủ tướng sớm ban hành Nghị định về xăng dầu không trễ hơn quý II.
Liên quan đến chi phí kinh doanh xăng dầu, mới đây, Văn phòng Chính phủ cho biết đã nhận được đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề ngày 10.3 gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp và việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.