Một trường tổ chức thi nhầm ngày, học sinh toàn tỉnh phải thi lại
Vào cuối tháng 4.2023, Sở GDĐT tỉnh Bình Dương gửi đề cuối học kỳ 2 môn Toán khối lớp 9 cho các Phòng GDĐT để gửi đến các trường THCS, chuẩn bị tổ chức kiểm tra cho học sinh vào ngày 26.4. Tuy nhiên, Trường TH-THCS-THPT Phan Chu Trinh (phường Dĩ An, TP Dĩ An) đã tổ chức cho học sinh khối lớp 9 kiểm tra vào ngày 25.4, trước một ngày so với kế hoạch.
Đến ngày 26.4, khi các trường THCS trên toàn tỉnh Bình Dương tổ chức cho các em học sinh lớp 9 kiểm tra môn Toán, một số giáo viên phát hiện đề này đã được một số học sinh hỏi lời giải từ hôm trước.
Để đảm bảo công bằng, Sở GDĐT Bình Dương đã quyết định cho hơn 10.000 học sinh lớp 9 toàn tỉnh kiểm tra lại môn Toán học kỳ 2 vào ngày 8.5 tới đây.
Đáng chú ý, sự cố về đề kiểm tra chung đã từng xảy ra ở các địa phương. Vào thời điểm tháng 7.2020, Phòng GDĐT TP Pleiku (Gia Lai) tổ chức kiểm tra học kỳ II môn Ngữ văn lớp 9 tại các trường THCS. Đề kiểm tra học kỳ là đề chung trên toàn thành phố. Cùng ngày, bộ phận chuyên môn của phòng nhận được thông tin đề bị lộ. Sau đó, hàng nghìn học sinh lớp 9 của 21 trường THCS tại Pleiku đã phải kiểm tra lại môn Ngữ văn.
Tương tự, gần 400 học sinh của Trường THCS Trần Hưng Đạo (Quảng Ngãi) cũng phải kiểm tra lại môn Vật lý học kỳ 2 vào năm 2020 do đề bị lộ. Vào thời điểm trước đó, tại một số địa phương như Đồng Tháp, Khánh Hòa, Hà Nội, TPHCM cũng từng xảy ra việc lộ, lọt đề kiểm tra cuối học kì.
Qua những sự việc này cho thấy, Sở, Phòng GDĐT ra đề chung cho các nhà trường phổ thông nếu bị lộ, lọt hoặc gặp sự cố khác về đề kiểm tra sẽ để lại hệ lụy khôn lường. Vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lí giáo dục này có nên ra đề kiểm tra chung cho các nhà trường phổ thông hay không.
Sở, Phòng có nên ra đề kiểm tra chung cho các trường?
Hiện nay, Sở, Phòng GDĐT nhiều địa phương trên cả nước đảm nhiệm việc ra đề kiểm tra học kì 1, kì 2 chung cho các nhà trường THCS và THPT. Tuy nhiên, hiện không có quy định về việc Sở, Phòng GDĐT phải ra đề kiểm tra chung cho các nhà trường phổ thông.
Khoản 2 Điều 18 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định việc kiểm tra đánh giá học sinh THCS và THPT quy định trách nhiệm của hiệu trưởng như sau:
Tổ chức thực hiện việc đánh giá học sinh theo quy định của Thông tư này tại cơ sở giáo dục; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì của giáo viên; hàng tháng ghi nhận xét và ký xác nhận vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học).
Theo quy định này, việc kiểm tra đánh giá (bao gồm ra đề kiểm tra định kì) được thực hiện ở trường và do hiệu trưởng tổ chức thực hiện.
Nhiều năm qua, Sở GDĐT TP.HCM không ra đề kiểm tra chung cho cả Thành phố mà phân quyền về cho từng trường. Sau kì kiểm tra (học kì 1, 2), các nhà trường gửi đề cho cơ quan này để chuyên viên thẩm định.
Đến kì họp chuyên môn định kì, chuyên viên Sở GDĐT sẽ nhận xét ưu, khuyết của việc ra đề kiểm tra, sau đó rút kinh nghiệm chung. Việc làm này thiết thực, nhẹ nhàng, nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ của giáo viên.
Như vậy, việc các nhà trường ra đề kiểm tra vừa phù hợp với Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT vừa hạn chế tối đa việc lộ, lọt hoặc các sự cố khác về đề. Giả sử, một trường nào đó lộ đề kiểm tra thì cũng chỉ ảnh hưởng đến vài ngàn chứ không phải hàng chục ngàn học sinh như đã từng xảy ra từ trước đến nay.