Trước đây, những dạng vai nam chính soái ca, nhà giàu, đẹp trai, ga-lăng mới hay gây bão màn ảnh. Vai Lưu “nát” của anh – một người đàn ông cửu vạn vừa nghèo khổ vừa cục cằn, thô lỗ – nhưng lại đang được yêu mến khắp các diễn đàn phim. Anh có thể lí giải?
– Rất lâu rồi, tôi mới nhận được một vai thú vị như vai Lưu “nát”. Vai này có phần giống với vai Hải trong “Đường đời” mà tôi tham gia cách đây 20 năm. Với vai Lưu nát, ngay khi đọc kịch bản tôi đã cảm thấy thích lắm rồi. Đó là một nhân vật xù xì, khó gần, cộc cằn nhưng cách cư xử và tấm lòng của anh ấy lại rất ấm áp.
Để thể hiện được nhân vật một cách gần gũi, chân thật cũng là một điều khó. Diễn viên cần cảm nhận, thể hiện “cái hồn” của nhân vật trong cách đi đứng, ăn nói, cử chỉ… Ban đầu, tôi cũng chưa thể bắt nhịp ngay, nhưng tôi cứ bồi đắp dần và hoàn thiện trong quá trình quay phim.
“Cuộc đời vẫn đẹp sao” được khen có bối cảnh, câu chuyện khác biệt so với loạt phim gia đình vừa thay nhau lên sóng. Phim là câu chuyện về những người nghèo khổ, lao động mưu sinh vất vả ở khu chợ. Cảm xúc của anh khi đọc kịch bản và vào vai Lưu “nát”?
– Theo tôi cảm nhận, đôi khi những “món ăn lạ” lại tạo được sự hứng thú cho khán giả. Vài năm trở lại đây, những phim về gia đình lên sóng nhiều, có thể phần nào khiến người xem cảm thấy nhàm chán. Vì vậy, “Cuộc đời vẫn đẹp sao” lại trở thành một bộ phim thú vị. Đó là một bộ phim bình dị, khiến người xem cảm thấy đồng cảm, gần gũi.
Ngày đầu đến chợ Long Biên để quay, tôi đã gặp những người dân sống ở đó, họ thuê trọ để làm việc, ban đêm mưu sinh, ban ngày ngủ bù.
Tôi được tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều hoàn cảnh, nhiều phận đời khổ cực và được họ giúp đỡ rất nhiều trong suốt quá trình quay phim.
Đoàn phim có việc gì cần nhờ, người dân ở khu xóm chợ luôn sẵn sàng giúp đỡ. Ở trong điều kiện sống thiếu thốn ấy, có những bà cụ 80 – 90 tuổi sống một mình. Bà nuôi một đàn chó và coi chúng như những người con của mình. Hàng ngày, bà chăm sóc chúng, cho ăn và làm lụng kiếm sống. Những mảnh đời ở khu trọ khiến tôi rất xúc động.
Tất nhiên, êkíp không thể quay ngay trong nơi người dân sinh hoạt, nên đoàn phim đã dựng một khu nhà ngay bên cạnh để lấy bối cảnh. Tôi rất biết ơn tình cảm và sự giúp đỡ tận tình của người dân trong khu chợ Long Biên.
Anh cũng từng trải qua hành trình mưu sinh vất vả. Sau khi rời Nhà hát Kịch Hà Nội, anh vào Đà nẵng. Do kinh tế gia đình khó khăn, lương ở Đoàn Ca kịch Quảng Nam thấp, anh phải bươn chải, buôn bán nhiều ngành nghề… Anh có còn nhớ những năm tháng ấy?
– Cuộc đời tôi có những giai đoạn vất vả, cực khổ. Đi buôn lợn có khi lợn bệnh, chết hết một nửa. Đến khi bán lạc, bán đỗ, trời bão không qua được phà nên đỗ mọc thành giá hết. Khi tôi kéo tấm bạt phủ ra, tôi thấy một màu trắng xóa. Giá mọc lên rồi. Điều đó có nghĩa là gì? Giá lên là tiền đi. Đợt đó tôi thua lỗ rất nhiều. Những cảm xúc ấy nếu không thực sự trải qua thì khó có thể hình dung.
Nhưng tôi vốn là người lạc quan, dẫu vất vả thế nào cũng luôn thấy cuộc đời vẫn đẹp sao.
Sau này, khi gặp những tình huống tương tự trên phim, tôi có thể diễn một cách chân thật. Vì vậy, tôi luôn quan sát và lưu giữ cảm xúc.
Ai đó nói, vốn sống, trải nghiệm sống rất quan trọng với diễn viên. Kĩ năng diễn tốt đến mấy mà không có trải nghiệm thực tế, sẽ khiến nhân vật khô cứng. Vốn sống đã giúp anh như thế nào trong những vai diễn cần màu sắc thực tế như Lưu “nát”?
– Dù tôi có trải nghiệm làm nhiều nghề, gặp nhiều người trong quá khứ nhưng theo tôi, trải nghiệm chỉ là một phần. Cuộc đời có rất nhiều hoàn cảnh éo le, bất hạnh và không ai có thể nếm trải tất cả. Do vậy, diễn viên phải chăm đọc, chăm xem và tìm hiểu thông tin. Có những diễn viên họ chưa từng được trải qua những câu chuyện đó nhưng vẫn nhập vai xuất sắc. Tôi nghĩ họ là những người tinh tế, hay quan sát và có khả năng đưa thực tiễn lên màn ảnh.
Những ngày tôi làm lái xe đường dài, đi từ Bắc vào Nam, tôi gặp nhiều câu chuyện, gặp bà con, thậm chí bị “xù tiền”. Chính những mảnh đời và kí ức đó giúp tôi có thêm trải nghiệm để bổ trợ các vai diễn sau này.
Đơn cử, khi vào những vai lam lũ, vất vả cơ cực, tôi không cảm thấy bỡ ngỡ. Kĩ thuật sẽ giúp diễn viên có thể truyền tải vai diễn bằng vẻ bề ngoài, nhưng tất cả cảm xúc bên trong cũng cần được nuôi dưỡng, cảm nhận sâu sắc.
Anh đã cần đến bao nhiêu chất liệu sống thực tế của chính mình khi nhập vai Lưu “nát”?
– Trong chương trình “Kí ức vui vẻ”, tôi từng nói với nhà báo Lại Văn Sâm rằng: “Diễn viên có thể sống nhiều cuộc đời”. Trước, trong và sau khi nhận vai, tôi đều cần tìm hiểu về vai diễn và thực sự sống trong đó.
Để nhập vai, diễn viên cần thay đổi từ cách đi đứng, ăn nói. Càng trải nghiệm cuộc sống nhiều, diễn viên càng có nhiều vốn sống, kinh nghiệm để thể hiện cảm xúc của nhân vật. Nhưng không ai có thể sống nhiều cuộc đời, nên việc nghiên cứu và quan sát là rất quan trọng. Những chất liệu đều nằm trong cuộc sống, diễn viên cần phải cảm nhận và đưa những xúc cảm đó lên phim một cách nhuần nhuyễn. Càng ngắm nhìn tinh tế, gần gũi bao nhiêu, diễn viên càng thể hiện chân thật và có hồn bấy nhiêu.
Anh và nhân vật Lưu “nát” có điểm nào giống nhau?
– Tôi và Lưu “nát” có một điểm khá giống nhau, đó là tính cách hay “cà khịa”. Ngoài đời, gặp mọi người tôi luôn thích trêu chọc bằng những câu nói hóm hỉnh. Tôi mong điều đó có thể mang lại năng lượng tích cực. Đó cũng là cách tôi giảm bớt áp lực và căng thẳng.
Tôi không muốn những người xung quanh làm việc với cảm giác nặng nề nên tôi luôn là người thay đổi bầu không khí đó. Đôi khi, lúc quay phim tôi trêu Thanh Hương, Thanh Hương không nhịn cười được nên lại bị đạo diễn Danh Dũng nhắc nhở.
Trang phục của Lưu “nát” cũng là của tôi. Tôi có thói quen lưu giữ kỉ niệm, những kí ức đã qua nên tôi còn giữ những bộ đồ từ hàng chục năm trước. Tôi thấy may mắn vì một ngày mở tủ đồ ra, ở dưới đáy tủ lại có những bộ đồ đã sờn cũ, phù hợp cho vai diễn này.
Những bộ đồ đó đã từ rất lâu rồi nhưng tôi không vứt đi mà gấp gọn trong tủ. Sau đó, tôi mang đến phim trường để hóa thân thành nhân vật Lưu Nát.
Những thân phận nghèo khổ, dưới đáy xã hội – khi lên màn ảnh bao giờ cũng để lại rất nhiều cảm xúc cho khán giả. Đôi khi, cảm xúc còn mãnh liệt hơn những đề tài siêu xe, nhà giàu, hào nhoáng. Theo anh, vì sao?
– Cuộc sống mưu sinh luôn luôn vất vả, nhất là những người dân phải lao động cực khổ. Khi phim phản ánh và nói lên nỗi lòng của họ, khán giả dễ đồng cảm và phần nào thấy mình trong đó.
Các câu thoại trong phim cũng đều rất gần gũi, quen thuộc với đời sống sinh hoạt như “hết nước chấm”, “mê gái cũng phải có trí tuệ”, “nếu không thể sống tử tế thì hãy tử vong”… nên dễ thu hút sự chú ý của khán giả hơn vì thoại không còn khô cứng như trước nữa.
Khi quay “Cuộc đời vẫn đẹp sao” ở khu chợ Long Biên, điều gì khiến anh nhớ nhất?
– Từ những cảnh đầu khai máy là mùng 8 Tết đến nay, cả đoàn làm phim không có ngày nghỉ. Đây là lần đầu tiên tôi được làm việc với đạo diễn Danh Dũng.
Có những phân đoạn, đạo diễn gọi tất cả diễn viên lại để cùng suy nghĩ, xây dựng lời thoại theo cảm nhận của họ về nhân vật. Cách đó khiến nhân vật “đời” hơn, thú vị hơn. Các diễn viên cũng sẽ có những lần bất đồng quan điểm, hoặc đi sai hướng. Lúc đó, đạo diễn sẽ lắng nghe và đưa ra cách xử lí phù hợp.
Khi tập 1 phát sóng, tôi có cơ hội về nhà và ngồi xem cùng gia đình. Con út 11 tuổi của tôi xem và bật cười, thỉnh thoảng lại liếc nhìn bố. Dù còn nhỏ nhưng cháu cũng xem rất chăm chú và có lẽ cũng có cho mình những bài học.
Sau bao vất vả mưu sinh, bây giờ tôi đã có cuộc sống tạm gọi là đủ đầy, hạnh phúc. Khi được ngồi giữa người thân của mình, tôi càng thương những phận đời khổ cực ở xóm chợ lao động.
Chúng tôi quay ở đó vất vả, phải bê vác những thùng hàng nặng giữa thời tiết khắc nghiệt, phải tranh thủ ngủ trong khu lều dựng tạm… Nhưng, tất cả những khó khăn ấy chẳng là gì, chẳng thấm vào đâu so với sự khổ cực của đời thật, của những số phận, mảnh đời đang phải nai lưng mưu sinh ở chợ Long Biên.