Chung cư xã hội nơi thì hẹp như phòng trọ, nơi thiếu người mua
Chị Nguyễn Thị Xuân Ẩn, người lao động tại Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Hòa Cầm đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, diện tích 1 căn hộ là quá nhỏ, khó đảm bảo cho một gia đình có 3 người sinh hoạt.
Thông tin về một số dự án này, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Hòa Cầm hiện có tổng cộng 285 căn, đã xét duyệt 117 căn và cho thuê 44 căn. Công trình có diện tích phòng quá nhỏ, chỉ có 16m2. Liên đoàn lao động thành phố đã có văn bản đề nghị cải tạo, nới rộng lên thành 32m2, đồng thời lắp đặt thang máy cho tất cả block. Kinh phí dự kiến 15,8 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, quy định hiện nay chỉ có những người là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố mới được phép nộp hồ sơ mua, thuê nhà ở xã hội. Nhưng thực tế, tại dự án chung cư xã hội Khu Công nghiệp Hòa Khánh khi mở bán lại thiếu người nộp hồ sơ mua.
Đề cập đến nhà ở xã hội, tại cuộc tiếp xúc cư tri mới đây, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng đánh giá, vấn đề hiện tại là dành nguồn lực và đề xuất chính sách hợp lý, phù hợp với nhu cầu của công nhân để giải quyết chuyện nhà ở xã hội. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân tích hợp vào chương trình phát triển nhà ở xã hội của TP Đà Nẵng.
Qua phản ảnh của người lao động, ông Triết nhìn nhận: “Nhu cầu nhà ở xã hội nhiều như thế nhưng nắm bắt một cách thực chất, chi tiết, chúng ta làm vẫn chưa làm tốt. Các dự án nhà ở xã hội thì bán không hết. Hoặc có nhu cầu nhưng điều kiện để người lao động, công nhân đáp ứng là quá cao. Nhà ở công nhân cho thuê 300 – 400.000 đồng thì mới là nhu cầu, chứ nâng lên 700.000 – 800.000 đồng thì không còn là nhu cầu nữa. Chính sách như vậy thì không hợp lý, hợp tình”.
Thiếu 28.000 nhà ở xã hội
Bà Ngô Thị Kim Yến – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thông tin, hiện Đà Nẵng có nhiều khu công nghiệp, với 70.000 công nhân, tuy nhiên 40% công nhân phải thuê nhà ở. Đà Nẵng còn thiếu 28.000 nhà ở cho công nhân.
Thành phố đã quyết tâm trong việc giải quyết vấn đề này nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng được như cầu nhà ở cho công nhân. Chi phí nhà ở của công nhân đã chiếm 20% mức lương, 80% còn lại phải lo trang trải những vấn đề khác như ăn uống, con cái… là gánh nặng đang đè trên vai người công nhân rất lớn.
Hiện nay, một tín hiệu tốt là Luật Nhà ở sẽ được sửa đổi, đặc biệt nhà nước sẽ có chính sách cho vay vốn để cải tạo nhà ở công nhân. Nếu Luật Nhà ở được thay đổi với hướng cho chủ doanh nghiệp thuê nhà ở xã hội để hỗ trợ một phần kinh phí cho công nhân, hoặc cho vay vốn cải tạo thêm cơ sở vật chất nhà ở để công nhân có cuộc sống tốt hơn thì rất tốt.
Về phía Đà Nẵng, thành phố cũng đề nghị các sở, ngành bám sát, nhanh chóng cải tạo các khu nhà ở, Khu Công nghiệp Hòa Cẩm để phù hợp với điều kiện của công nhân. Thành phố cũng đang trình chính phủ chuyển mục đích sử dụng của Khu kí túc xá Phía Tây để có thêm nhà ở để bố trí cho công nhân.
“Nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân là vấn đề nan giải cần sự vào cuộc đồng bộ của rất nhiều ngành mới có thể thực hiện được, tuy nhiên chúng tôi rất mừng vì có sự quyết tâm của Chính phủ và sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này nhanh nhất có thể để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân” – bà Yến cho hay.