Căn cứ Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế.
Tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của các đối tượng được quy định như sau:
Mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Theo đó, mức đóng bảo hiểm y tế đối với bảo hiểm y tế hộ gia đình được xác định như sau:
Người thứ nhất: 4,5% mức lương cơ sở;
Người thứ 2: 70% mức đóng của người thứ nhất (3,15% mức lương cơ sở);
Người thứ 3: 60% mức đóng của người thứ nhất (2,7% mức lương cơ sở);
Người thứ 4: 50% mức đóng của người thứ nhất (2,25% mức lương cơ sở);
Người thứ 5 trở đi: 40% mức đóng của người thứ nhất (1,8% mức lương cơ sở).
Cụ thể, khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình tăng như sau:
Người thứ nhất: 81.000 đồng/tháng.
Người thứ hai: 56.700 đồng/tháng.
Người thứ ba: 48.600 đồng/tháng.
Người thứ tư: 40.500 đồng/tháng.
Người thứ năm trở đi: 32.400 đồng/tháng.
Vậy mức chi phí khám chữa bệnh để được bảo hiểm y tế thanh toán 100% có tăng không?
Căn cứ theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trong trường hợp chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở thì người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán 100% chi phí.
Hiện nay, người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán 100% chi phí khi mức chi phí cho 1 lần khám bệnh thấp hơn 223.500 đồng (15% mức lương cơ sở).
Khi lương cơ sở tăng lên, mức chi phí cho 1 lần khám bệnh nêu trên sẽ thay đổi thành 270.000 đồng. Cụ thể, nếu chi phí cho một lần khám chữa bệnh của người bệnh thấp hơn 270.000 đồng thì được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí.