Theo các nhà nghiên cứu, cụm tháp Chăm Khương Mỹ (Núi Thành, Quảng Nam) gồm 3 tháp Nam, Giữa và Bắc xây dựng từ nghìn năm trước và được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1989.
Tại Khương Mỹ, một số mô-típ trong nghệ thuật Khmer được điêu khắc vô cùng tinh xảo trên tường và cổng tháp. Các hình thoi nối tiếp nhau được tạo thành bởi những đường chéo và các đóa hoa cách điệu.
Cuối năm 2022, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc, tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ do Viện Khoa học công nghệ Xây dựng thi công hoàn thành với tổng kinh phí 12,6 tỉ đồng.
Sau khi được trùng tu, diện mạo tháp Chăm trở nên khá nổi bật. Tuy nhiên, những hoa văn trang trí đặc trưng trên các trụ ốp tường và các mảng tường đã biến mất hoàn hoàn và được thay thế bằng tường gạch Chăm phục chế mới tinh, trơn tru, không có hoa văn chạm trổ.
Ở những vị trí không có gạch mới đưa vào, vẫn còn nhận thấy các dải hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với các mảng tường trang trí từ chân đến đỉnh tường.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Phan Văn Cẩm – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và Danh thắng Quảng Nam nói: “Hoa văn trên thân tháp Chăm Khương Mỹ rất giá trị. Nếu sau khi tu bổ làm mất đi hoa văn đó là điều rất đáng tiếc. Cả khu đền tháp Mỹ Sơn không có hoa văn như thế vì hoa văn này chỉ ra đời trong thời kì xây dựng tháp Khương Mỹ và mang phong cách đặc trưng thời kì này”.
Trước đó, báo Lao Động đã phản ánh tình trạng xuất hiện chi chít những vệt đốm trắng như muối loang lổ, rêu mốc phủ đầy trên bề mặt gạch mới sau khi trùng tu. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, đơn vị làm chủ đầu tư dự án trùng tu tháp Chăm Khương Mỹ cho hay Sở Xây dựng Quảng Nam là đơn vị nghiệm thu khi dự án hoàn thành.
Theo các chuyên gia bảo tồn, việc xuất hiện muối trên công trình sau trùng tu sẽ ảnh hưởng đến độ bền của những viên gạch và các thành phần trong khối xây của di tích. Về lâu dài hiện tượng này có thể phá hủy bề mặt gạch di tích.