Quy trình lựa chọn sách giáo khoa mới
Sau 3 năm thực hiện lộ trình đối mới giáo dục, năm học tới, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ chính thức áp dụng với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
Ở năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 do giáo viên và nhà trường thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tuy nhiên, từ năm 2021, sách giáo khoa do UBND tỉnh, thành phố lập hội đồng lựa chọn theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT.
Theo đó, tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, đánh giá và bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa; cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Sau đó, Phòng Giáo dục Đào tạo tổng hợp, báo cáo Sở Giáo dục Đào tạo danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
Cuối cùng, Sở Giáo dục Đào tạo tổng hợp, chuyển giao cho Hội đồng danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
Giáo viên chọn sách theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”
Với quy trình chọn lựa sách giáo khoa như trên, năm nào các Sở Giáo dục Đào tạo cũng yêu cầu giáo viên dự hội thảo sách giáo khoa trước khi bắt đầu quá trình lựa chọn sách cho lớp mới.
Đầu tháng 4, thầy N.V.L, giáo viên THCS tại tỉnh Khánh Hoà được triệu tập tham dự buổi giới thiệu (tập huấn) sách giáo khoa mới lớp 8 các nhà xuất bản tổ chức.
Buổi tập huấn diễn ra theo hình thức trực tuyến. Mỗi môn học, mỗi bộ sách được các nhà xuất bản giới thiệu bằng một video quay sẵn trong khoảng 30 phút (tùy từng bộ sách) để những tác giả sách giáo khoa giới thiệu những ưu điểm, cấu trúc về sách giáo khoa mà mình là Tổng chủ biên. Giáo viên được tham dự 3 buổi tập huấn cho 3 bộ sách: Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và sách Cánh diều.
Thầy N.V.L nhận xét, với thời lượng tập huấn khoảng 30 phút cho 1 môn học, giáo viên không có đủ thời gian để hiểu rõ về từng bộ sách.
“Gọi là tập huấn sách giáo khoa mới, nhưng thực tế là Marketing, là tiếp thị thì đúng hơn. Giáo viên không nắm được chi tiết về từng bài để có căn cứ lựa chọn sách phù hợp với học trò. Rồi cuối cùng, Hội đồng sách giáo khoa tỉnh sẽ đưa ra quyết định chọn sách giáo khoa nào chứ không phải là các trường hay ý kiến giáo viên. Nên việc tập huấn sách giáo khoa mới, hay lựa chọn sách mà giáo viên được tham giống như “cưỡi ngựa xem hoa”” – thầy L nói.
Cô Lê Thị Hằng, giáo viên THCS tại tỉnh Thanh Hoá thừa nhận, bản thân cô và nhiều đồng nghiệp hiện nay chọn lựa sách giáo khoa theo cảm tính.
“Chủ yếu việc chọn sách, lấy ý kiến giáo viên hiện nay chỉ là hình thức. Giáo viên ngầm hiểu với nhau là năm ngoái chọn bộ nào thì năm nay sẽ chọn bộ đấy. Nhà trường chỉ lựa chọn lại sách giáo khoa của đơn vị khác khi thấy bộ sách đó không phù hợp hoặc sách có nhiều sai sót” – cô Hằng nói.
Chính vì lí do này, cô Hằng mong muốn, giáo viên được trực tiếp cần trên tay bộ sách mới, có thời gian nghiên cứu, nghiền ngẫm thay vì xem qua những bản sách giáo khoa điện tử. Từ đó, có thể nhận xét chính xác bộ sách nào sẽ phù hợp với học sinh của mình.
“Việc chọn bộ sách phù hợp với năng lực, mức độ nhận thức của học sinh rất quan trọng. Do đó, chúng tôi sẽ có thêm thời gian để nghiên cứu, đọc kỹ sách mới trước khi lựa chọn và những ý kiến của chúng tôi sẽ được lắng nghe, tôn trọng. Bởi giáo viên là người trực tiếp giảng dạy, thời gian tiếp xúc với học sinh nhiều, giáo viên hiểu được năng lực cũng như mức độ nhận thức của học sinh” – cô Hằng nói.