Trần nợ đang trở nên giống như thời tiết. Các cuộc tranh luận diễn ra nhưng sự bế tắc giữa Nhà Trắng và các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội vẫn tiếp tục. Tình trạng này càng làm cho “ngày X” càng đến gần khi két tiền của Bộ Tài chính Mỹ trống rỗng như những gì Bộ trưởng Janet Yellen cảnh báo.
Trong khi đó, giá vàng tiến gần đến mức cao kỷ lục. Lợi suất cao hơn sẽ là một điều tiêu cực đối với kim loại quý khi không phải trả lãi. Tuy nhiên, điều này không ngăn được giá vàng tăng cao. Các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia đã không còn dựa vào USD để dự trữ ngoại tệ.
Giá vàng thế giới đã tăng ổn định khi đạt mức cao nhất trong 52 tuần là 2.048 USD/ounce. Đầu tháng 5 vừa qua, hợp đồng tương lai vàng giao ngay trên sàn Comex chỉ kém mức kỷ lục 2051,50 USD đạt được vào ngày 6.8 năm 2020. Trong phiên tuần qua, giá vàng giao ngay đã ở mức 2014.70 USD – tăng 10,72% so với đầu năm.
Trong suốt mùa hè năm 2011, khủng hoảng trần nợ đã khiến Mỹ bị Standard & Poor’s hạ xếp hạng tín dụng từ mức AAA xuống còn AA+. Thị trường vàng đang có những dấu hiệu giao dịch tương tự thời điểm đó.
Sự gia tăng của vàng trong thời kỳ lãi suất cao hơn sẽ đưa ra cảnh báo về tình hình tài chính của Mỹ và tình trạng của đồng USD. Theo Hội đồng vàng thế giới (WCG), các ngân hàng trung ương đã bổ sung 228 tấn vàng vào kho dự trữ trong quý I/2023.
Rủi ro địa chính trị và lạm phát gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu với vàng, đặc biệt là sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Để nắm giữ vàng, chi phí cơ hội cần phải bỏ ra cao hơn. Dù vậy, những lo ngại về tác động từ yếu tố địa chính trị và tình trạng nợ của Mỹ đã lấn át tất cả.
Trong thập kỷ vừa qua với lãi suất thấp kỷ lục, Quốc hội đã có thể cắt giảm thuế và tăng chi tiêu mà không làm tăng chi phí tài trợ cho các khoản nợ. Lần đầu tiên sau 40 năm, chi phí trả nợ của Mỹ đang tăng lên. Tiền trả lãi chiếm 12,7% doanh thu thuế trong tháng 4.2023 – cao hơn so với mức 11,7% của năm trước.
Trong lịch sử, khi lãi nợ chiếm 14% doanh thu, thị trường tài chính áp đặt chính sách thắt lưng buộc bụng lên chính phủ Mỹ.
Dù vậy, tình trạng hiện tại dường như vẫn có lối thoát. Gánh nặng thực sự của nợ chính phủ đôi khi được giảm bớt thông qua “ức chế tài chính”. Khái niệm này sự kết hợp giữa lạm phát và kìm hãm lãi suất. Trên thực tế, đây là một loại thuế “lén lút” đối với những người nắm giữ trái phiếu khi họ bị trả lại bằng USD có mệnh giá giảm do lạm phát.
Trong những năm 1970, trái phiếu được gọi là “giấy chứng nhận tịch thu” vì chúng mất giá trị thực tế. Vàng tăng vọt trên 800 USD vào tháng 1.1980. Vì vậy, kim loại quý đóng vai trò là khoản bù đắp cho khoản thuế lạm phát này đối với tài sản có thu nhập cố định.
Giá vàng tăng là cảnh báo về cơn bão nợ sắp tới.