Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng – QL1A là dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng từ năm 2010. Đến nay, sau 13 năm, công tác giải phóng mặt bằng của dự án vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ thi công chậm nhiều năm.
Ghi nhận cho thấy, đoạn từ sông Lừ đến QL1A vẫn là bãi “chiến trường”, gạch, ngói, phế thải xây dựng từ hoạt động giải phóng mặt bằng chất đống.
Tương tự, đoạn ngõ 192 Lê Trọng Tấn, phân đoạn Đường 2,5 dài khoảng 500 m đang triển khai dang dở, biến thành bãi tập kết rác, mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân xung quanh khốn khổ.
Hay như đoạn nối từ đường Cầu Giấy đến Khu đô thị mới Dịch Vọng (một đoạn của đường Vành đai 2,5) bị chậm tiến độ và trở thành nơi đỗ xe, chứa rác thải… gây mất mĩ quan đô thị, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
Ban quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy cho biết, để thực hiện dự án, các lực lượng chức năng cần phải giải phóng mặt bằng 21.459,7 m2 đất/338 phương án. Trong đó, hơn 200 trường hợp phải thu hồi toàn bộ, phải bố trí nhà tái định cư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quỹ nhà tái định cư phục vụ dự án vẫn chưa có khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Theo ông Nguyễn Việt Trung – Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng, hầu hết người dân trong diện thu hồi đất giải phóng mặt bằng đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng… Việc thiếu quỹ nhà tái định cư khiến tiến độ của dự án bị chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong khu vực, đặc biệt với những hộ thuộc diện phải giải phóng mặt bằng (GPMB).
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, tuyến vành đai 2,5 dài 19,41 km, quy mô mặt cắt ngang rộng 40-50 m. Tuyến được chia thành 13 đoạn, trong đó 4 đoạn đã đầu tư hình thành theo quy hoạch dài 9,59 km.
5 đoạn tuyến đang triển khai đầu tư dài 5,97 km gồm: Khu đô thị Ciputra – Nguyễn Hoàng Tôn – Ngoại giao đoàn (Nhà đầu tư khu đô thị Ciputra và Tây hồ Tây đầu tư); Đường 32 – Khu đô thị mới dịch Vọng (quận cầu Giấy làm chủ đầu tư); Đầm Hồng – Quốc lộ 1A theo hình thức PPP loại hợp đồng BT.
4 đoạn chưa được đầu tư xây dựng dài 3,85 km gồm: Đoạn 1, Khu đô thị mới Dịch Vọng – Dương Đình Nghệ, đoạn 2 Trung Kính – Trần Duy Hưng, đoạn 3 Nguỵ Như Kon Tum – Nguyễn Trãi – Đầm Hồng, đoạn 4 Hồ Vĩnh Hưng – Lĩnh Nam.
Với đoạn từ Đầm Hồng – QL1A, ông Nguyễn Anh Đức – Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Hà Nội – cho hay, theo kế hoạch, dự án thi công từ ngày 9.3.2014 và phải hoàn thành trong năm 2017. Tuy nhiên, đến nay công trình chưa thể hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Hiện dự án đã triển khai trên tất cả vị trí đủ điều kiện thi công với chiều dài khoảng 1.381,7 m tương đương hơn 87%, còn lại khoảng 200m chưa thể thực hiện do vướng 14 hộ chưa giải phóng mặt bằng.
Ông Đức cho biết thêm, kể từ tháng 1.2022 đến nay, dự án gần như không triển khai thi công. Đơn vị đang yêu cầu trong quý II/2023 phải hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư, phấn đấu thông xe vào dịp cuối năm 2023.
Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 5.5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, theo tính toán, chi phí làm dự án vành đai 4 của Hà Nội là 328 tỉ/km. Ông Dũng nêu và so sánh với 2 tuyến đường vành đai đang xây dựng.
Đối với vành đai 2,5 Nguyễn Trãi – Đầm Hồng dài hơn 1 km chi phí đến 2.500 tỉ đồng bao gồm cả giải phóng mặt bằng và làm đường 4, 5 làn xe. Thứ hai là đường vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu – Voi Phục cũng trên 1 km chi phí tới 7.600 tỉ đồng.
“Nói để thấy chúng ta làm đường sớm ngày nào, đồng bộ ngày nào thì rẻ ngày đấy. Ngoài mặt kinh tế, điều quan trọng hơn nếu làm đồng bộ thì sớm ổn định đời sống nhân dân. Như đường vành đai 1, vành đai 2,5, nhân dân hàng chục năm nay có yên được không? Có làm ăn kinh doanh yên ổn không hay suốt ngày lo lắng về giải phóng mặt bằng” – ông Dũng nói.