Lĩnh vực đặc biệt
“Cắt tim” ra khỏi nhà máy điện hạt nhân là “thủ tục phẫu thuật” mà chỉ một số bác sĩ chuyên khoa được trang bị để xử lý, theo Bloomberg. Rất nhiều kỹ sư hạt nhân, chuyên gia an toàn bức xạ và cơ quan quản lý nhà nước giám sát hoạt động này. Đây là hoạt động có thể tiêu tốn tới 1 tỉ USD và mất nhiều năm để lên kế hoạch và thực hiện.
Ông Michael Baechler của Uniper SE – người đang giám sát việc tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân Barsebaeck của Thụy Điển – cho biết, chuyên môn cao và xử lý không được phép có sai sót là lý do chỉ có một số ít đơn vị làm việc trong lĩnh vực ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân.
Trong số những công ty lâu đời nhất và giàu kinh nghiệm nhất có Nukem Technologies Engineering Services GmbH của Đức đã cung cấp dịch vụ trong nhiều thập kỷ ở châu Á, châu Phi và khắp châu Âu.
Các kỹ sư của Nukem đã giúp ngăn chặn bức xạ từ các lò phản ứng bị phá hủy ở Chernobyl và Fukushima. Họ đã giúp dọn sạch một nhà máy nhiên liệu nguyên tử ở Bỉ. Tại Pháp, công ty nghĩ ra cách xử lý chất thải từ lò phản ứng thí nghiệm nhiệt hạch quốc tế ITER.
Các nhà nghiên cứu nhận định, việc dọn dẹp các nhà máy điện hạt nhân cũ sẽ phát triển thành ngành kinh doanh toàn cầu trị giá 125 tỉ USD trong tương lai gần, Nukem ở vị thế lý tưởng để phát triển. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, Nukem hoàn toàn thuộc sở hữu của Rosatom Corp – gã khổng lồ hạt nhân Nga do Điện Kremlin kiểm soát. Nằm ở phía đông Frankfurt, Nukem là một công ty nhỏ trong đế chế toàn cầu của Rosatom.
Trong khi Đức lên tiếng thúc giục các nước EU ngừng nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Rosatom – mặt hàng chuyên dùng cho các nhà máy điện mà Rosatom là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới – thì giới chức không muốn ngăn cản Nukem kinh doanh tại Đức, 3 quan chức giấu tên tiết lộ với Bloomberg.
Các chuyên gia ước tính sẽ mất ít nhất 4 hoặc 5 năm trước khi EU có thể sánh kịp năng lực sản xuất nhiên liệu của Rosatom, nhưng ngay cả khi quá trình đó được đẩy nhanh, thì vẫn cần thêm thời gian để tái tạo phạm vi tiếp cận toàn cầu và mảng dịch vụ của hãng.
Áp lực cắt Rosatom ra khỏi chuỗi cung ứng châu Âu đã tăng kể từ khi các lực lượng Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở ngoại ô thành phố Zaporizhzhia của Ukraina và cử các kỹ sư của Rosatom đến để vận hành nhà máy này.
Hơn 1 năm qua, nhiều công ty riêng lẻ vẫn quyết định tiếp tục kinh doanh với gã khổng lồ năng lượng Nga. Rosatom chứng kiến xuất khẩu tăng hơn 20% trong năm sau khi xung đột Nga – Ukraina nổ ra.
Tương lai ngoài châu Âu
Không giống như các nhà máy tinh chế và cơ sở lưu trữ của Nga bị Đức tịch thu sau khi xung đột nổ ra, Nukem không có nhiều cơ sở hạ tầng cố định. Nếu các biện pháp trừng phạt được áp dụng, Rosatom có thể chỉ cần đóng cửa hoặc chuyển trụ sở của Nukem đến một khu vực tài phán thân thiện hơn.
Điều này khiến Nukem ở trong tình thế đặc biệt khi khách hàng quan tâm tới vấn đề này đang đối mặt với việc lựa chọn xem có nên làm việc với một công ty do Điện Kremlin kiểm soát hay không.
Kinh nghiệm của Nukem đặc biệt có giá trị khi 120 kỹ sư chủ yếu là người Đức của công ty có thể làm việc trong chuỗi cung ứng hạt nhân, một lợi thế rất lớn vì ngày càng có nhiều kỹ sư hạt nhân trẻ học về xây dựng các cơ sở mới hơn là phá dỡ những cơ sở cũ.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tại Vienna từng cảnh báo về tình trạng thiếu trầm trọng nhân lực trong lĩnh vực ngừng hoạt động các cơ sở cũ.
Mark Hibbs – nhà phân tích tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, người đã theo dõi công ty trong hơn ba thập kỷ – cho biết: “Ở châu Âu, Nukem nắm giữ lượng lớn bí quyết”.
Nhưng ngay cả khi không bị trừng phạt, các thị trường truyền thống như Lithuania và Phần Lan đã lần lượt ngừng hợp tác với Nukem và Rosatom. Các quốc gia khác, bao gồm Cộng hòa Czech, Slovakia và Bulgaria đang đa dạng hóa sản phẩm khỏi các nhà cung cấp Nga.
Giám đốc điều hành Nukem Thomas Seipolt cho biết, ở cấp độ hàng ngày, việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn từ khi xung đột nổ ra, việc chuyển tiền mất nhiều thời gian hơn, việc đảm bảo các giấy phép cần thiết để vận chuyển công nghệ xuyên biên giới khó khăn hơn và một số khách hàng do dự trong việc ký hợp đồng. Do tình hình chính trị, “sự phát triển hơn nữa của công ty” đã “trở nên không chắc chắn”.
Ông Seipolt cho biết, để tránh tiếp tục sụt giảm, “chủ sở hữu đang cố gắng bán Nukem cho một nhà đầu tư chiến lược vào khoảng giữa năm nay”. “Chúng tôi đã đàm phán với các bên quan tâm” – ông nói.
Tuy nhiên, nếu việc bán Nukem không xảy ra, tương lai của công ty có thể nằm ngoài châu Âu. Dù các biện pháp trừng phạt Rosatom và Nukem có thể cắt đứt nguồn cung cấp nhiên liệu và dịch vụ trong khối EU, nhưng sẽ khó thực thi hơn ở các thị trường tăng trưởng lớn nhất của công ty.
Rosatom đã xây dựng các nhà máy hạt nhân mới ở Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập và ở Thổ Nhĩ Kỳ, với hàng chục hợp đồng cung cấp khác đang được đàm phán.
Ít nhất hiện tại, Nukem đang tìm một số dự án mới ở xa hơn. Tại nhà máy điện hạt nhân Xudabao ở phía đông bắc Bắc Kinh, Trung Quốc, các chuyên gia của Nukem đang thiết kế một trung tâm xử lý chất thải để chứa 2 lò phản ứng Rosatom mới sẽ đi vào hoạt động năm 2028.
“Chúng tôi đã ký hợp đồng” – Nukem thông báo vào tháng trước. Năm 2024, công ty con của Rosatom tại Đức sẽ bắt đầu vận chuyển linh kiện sang Trung Quốc.