Thời tiết đang có sự đối lập ở châu Á khi các thành phố của Trung Quốc chìm trong nắng nóng kỷ lục, nhiều tỉnh thành ở Việt Nam bước vào đợt nắng nóng mới, trong khi mưa bão hoành hành ở Myanmar, Bangladesh.
Nắng nóng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, vùng áp thấp nóng phía tây đang phát triển và mở rộng về phía đông nam. Ngày 16,5, vùng núi phía tây khu vực từ Thanh Hoá đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Sơn La, Hòa Bình và Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ.
Từ ngày 18-23.5, ở phía tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ.
Theo CNN, các thành phố lớn của Trung Quốc đã ban hành khuyến cáo về nhiệt độ, chuẩn bị cho đợt nắng nóng kỷ lục có thể đe dọa nguồn cung cấp điện, mùa màng và nền kinh tế mong manh.
Nền nhiệt ở Bắc Kinh lên tới 36 độ C trong ngày 15.5.
Trung Quốc đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng ở một số khu vực kể từ tháng Ba. Tỉnh Vân Nam ở phía tây nam – nơi được biết đến với thời tiết ôn hòa, gần đây đã phải hứng chịu nhiệt độ hơn 40 độ C – đặt gánh nặng lớn cho lưới điện khi hàng triệu hộ gia đình bật điều hòa.
Tỉnh Sơn Đông ở miền đông và thủ đô Bắc Kinh đã ban hành cảnh báo nhiệt, trong khi Tế Nam và Thiên Tân ở phía bắc và Trịnh Châu nằm miền trung, dự kiến nhiệt độ tăng cao tới 37 độ C.
Các đợt nắng nóng đang diễn ra trước mùa hè, đặc biệt đáng lo ngại đối với ngành nông nghiệp.
Thiệt hại về mùa màng có thể đẩy giá lương thực lên cao, làm trầm trọng thêm lạm phát và gây áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc khi nước này cố gắng phục hồi sau 3 năm đại dịch COVID-19.
Đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin, lượng mưa ở Vân Nam chỉ ở mức 35 mm trong năm tính đến ngày 20.4, trong khi lượng mưa ở thủ phủ Côn Minh của tỉnh là dưới 8 mm, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận.
Nắng nóng một lần nữa có thể gây áp lực lên trữ lượng nước. Năm ngoái, nhiệt độ kỷ lục kéo dài hai tháng đã khiến các con sông và tuyến đường thủy chính khô cạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sông Dương Tử.
Cơ quan Cứu hỏa và Cứu hộ Quốc gia Trung Quốc hôm 14.5 đã tổ chức hội nghị thảo luận về các trường hợp khẩn cấp do hạn hán.
Các chuyên gia cho rằng thời tiết khắc nghiệt là do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) trong đánh giá mới nhất cho biết, khả năng cao hiện tượng thời tiết El Nino sẽ quay trở lại vào cuối năm nay, có thể làm tăng thêm nhiệt độ.
Theo Tổng thư ký WMO Petri Taalas, sự phát triển của El Niño rất có thể sẽ dẫn đến một đợt nóng lên toàn cầu mới và tăng khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ”.
Thiệt hại diện rộng khi bão Mocha đổ bộ Myanmar
Chiều 14.5, bão Mocha – một trong những cơn bão mạnh nhất từng tấn công Myanmar – đã đổ bộ vào bờ biển phía tây bắc, ngoài khơi Vịnh Bengal, với sức gió hơn 200 km/h. Các báo cáo ban đầu cho thấy thiệt hại là rất lớn.
Video từ bang Rakhine đang xảy ra xung đột cho thấy những cơn gió mạnh quật đổ cây cối, cắt đứt đường điện và viễn thông. Mưa xối xả mang đến nguy cơ lũ lụt và lở đất.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc cho biết, thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra ở Rakhine và gián đoạn viễn thông có nghĩa là vẫn chưa thể đánh giá toàn bộ mức độ nghiêm trọng của thảm họa. Nhưng các báo cáo ban đầu cho thấy thiệt hại là rất lớn và nhu cầu của các cộng đồng vốn đã dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người phải di dời, sẽ rất cao.
Trước cơn bão, các cơ quan viện trợ ở Myanmar, cũng như nước láng giềng Bangladesh, đã đưa ra một kế hoạch khẩn cấp quy mô lớn nhằm giảm thiểu rủi ro thương tích và tàn phá.
Bão Mocha đổ bộ Myanmar với sức mạnh tương tự như bão Giri vào tháng 10.2010, với sức gió tối đa 250 km/h. Giri khiến hơn 150 người thiệt mạng và khoảng 70% thành phố Kyaukphyu bị phá hủy. Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 15.000 ngôi nhà đã bị phá hủy ở bang Rakhine trong cơn bão.