Chấp nhận giá đắt để hoãn nợ
FiinRatings cho biết, tỉ lệ chậm trả trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gia tăng với 98 tổ chức phát hành. Giá trị chậm trả lên tới 128.500 tỉ đồng, tăng 13,6% so với lần cập nhật gần nhất.
Trước khả năng thanh toán đang yếu dần, nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành trong đầu tháng 3 đã cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu với việc kéo dài thời gian đáo hạn tối đa 2 năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận hàng loạt thoả thuận thành công.
Tính riêng trong tháng vừa qua, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê có 6 công ty công bố phương án tái cơ cấu, chủ yếu thông qua kéo dài kì hạn trái phiếu với kì hạn mới kéo dài thêm từ 3 tháng đến 24 tháng so với kì hạn ban đầu.
Mới nhất vào ngày 4.5, Công ty Cổ phần Bất động sản Phát Đạt đã gia hạn lô trái phiếu trị giá 148 tỉ đồng kèm theo động thái nâng lãi suất cao hơn đến ngày đáo hạn.
Theo đó, tiến độ mua lại lô trái phiếu PDRH2123002 của Phát Đạt sẽ được chia làm 3 đợt kéo dài từ tháng 5.2023 đến tháng 7.2023. Tỉ lệ hoàn trả lần lượt mỗi tháng là 30 – 30 – 40%. Lãi suất hiện hành sẽ tăng từ 13% lên 15%.
Tương tự, Công ty CP Hưng Thịnh Icons (thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh) đã gia hạn thành công lô trái phiếu HTNBH2122002 thêm 1 năm so với thời hạn cũ. Lãi suất cho số tiền còn lại (210 trong số 300 tỉ đồng) chưa thanh toán vẫn được áp dụng neo cao ở mức 17,75%/năm.
Tập đoàn Đua Fat đã thông qua lộ trình thanh toán lô trái phiếu DFFH2123001 muộn hơn 4 tháng so với cam kết ban đầu. Lãi suất trong thời gian quá hạn từ ngày 2.3 – 14.7 là 17,625%/năm, cao hơn nhiều mức lãi suất ban đầu của trái phiếu là 11,75%/năm.
Không chỉ trái phiếu đã phát hành được gia hạn với chi phí đắt đỏ hơn mà lãi suất trái phiếu phát hành mới cũng tăng cao. Tháng 4 vừa qua chỉ ghi nhận lô trái phiếu duy nhất được phát hành có trị giá 671 tỉ đồng của Công ty Cổ phần North Star Holdings. Trái phiếu có kì hạn 16 tháng, lãi suất 14%/năm. Đây cũng là mức lãi suất danh nghĩa cao nhất ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay.
Giới hạn trái phiếu sẽ là xu hướng trong thời gian tới
Trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Bảo Ngọc – CEO nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock – cho rằng, gia hạn trái phiếu là cách duy nhất mà doanh nghiệp hiện nay có thể làm. Bởi nếu tính đến phương án hoán đổi tài sản sẽ không dễ dàng khi chính tài sản lại đang bị chôn chặt tại các ngân hàng. Nếu hoán đổi được thì sẽ không phải mức giá thị trường hiện nay do mức định giá của ngân hàng thời điểm trước rất cao.
“Gia hạn trái phiếu sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Trái chủ sẽ phải chấp nhận rủi ro vốn bị chiếm dụng lâu hơn, trong khi doanh nghiệp sẽ có thời gian để xoay sở về mặt tài chính, còn nếu không sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ. Nếu gia hạn mà không phải tăng lãi suất thì sẽ là phương án tốt đẹp nhất” – chuyên gia cho biết.
Còn theo VIS Ratings, lãi suất của trái phiếu trong những tháng đầu năm cao hơn đáng kể so với trái phiếu tương tự được phát hành trong những năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư yêu cầu phần bù rủi ro cao hơn.
Đội ngũ phân tích dự đoán tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành sẽ giảm xuống còn 11% GDP vào cuối năm 2023 (hiện nay đạt gần 15%). Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới sẽ tăng dần, nhưng tốc độ phát hành mới sẽ không phục hồi về mức trước năm 2022. Các doanh nghiệp sẽ ưu tiên điều chỉnh hoạt động kinh doanh và tích trữ nguồn tiền mặt để trả nợ trái phiếu đáo hạn hoặc gia hạn kì hạn trái phiếu.