Xét theo mức độ đóng góp, các cổ phiếu vốn hoá lớn như SAB, SSB và HVN là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng SAB đã lấy đi hơn 0.25 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VCB, VHM và BID là những mã có tác động tích cực nhất. Tính riêng VCB đã bù lại gần 3.7 điểm cho chỉ số.
Nhóm cổ phiếu xuất khẩu thủy sản tháng 4.2023 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 810 triệu USD. Doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác. Ngành chế biến thủy sản kết tuần nằm trong nhóm giảm mạnh nhất thị trường khi các cổ phiếu đều kết phiên cuối tuần trong sắc đỏ.
Trong tuần qua một số công ty chứng khoán (CTCK) đã có những nhận định khá thiếu tự tin về diễn biến của tình hình thị trường. Đơn cử như CTCK Vietcombank – VCBS đã có tuần không mấy thành công với những nhận định thiếu tự tin về thị trường. Điển hình như phiên vọt tăng ngày đầu tuần 8.5, công ty chứng khoán này đã dự báo VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh để kiểm tra khu vực đáy quanh 1.020 điểm. Sau dự báo sai lệch trên, VCBS thận trọng với việc duy trì quan điểm cho rằng thị trường vẫn sẽ rung lắc, nhịp phục hồi sẽ diễn ra với các phiên tăng giảm đan xen hoặc tích lũy trong biên độ hẹp. Tuy nhiên, VCBS vẫn lạc quan với những phiên liên tiếp đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân thêm từ 10-20% đối với những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục thuộc các nhóm ngành như dầu khí, bất động sản khu công nghiệp.
Báo cáo tháng 5 mới công bố của CTCK Yuanta Việt Nam đã đưa ra phân tích, trong ngắn hạn, dòng vốn FDI vẫn nhiều khả năng chưa thể tăng mạnh trở lại trong 2023 do hiệu ứng của Luật Thuế tối thiểu toàn cầu và các bất ổn vĩ mô thế giới. Do đó, sẽ cần thêm thời gian để dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh mẽ như những năm trước dịch, khi triển vọng kinh tế thế giới rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế như giảm lãi suất điều hành, ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN liên quan cơ cấu lại các khoản nợ, Thông tư 03/2023/TT-NHNN liên quan việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng. Đây là các động thái hỗ trợ doanh nghiệp từ phía NHNN trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
“Với những tín hiệu vĩ mô tích cực hơn cũng như chính sách điều hành từ phía Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng tình hình tăng trưởng quý II sẽ có nhiều điểm tích cực hơn quý I. Trong đó, kỳ vọng đầu tư công là động lực dẫn dắt chính cho tăng trưởng kinh tế trong nước khi Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08 cũng như thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công”, các chuyên gia của Yuanta đánh giá.
Trên cơ sở đó, CTCK Yuanta đưa ra nhận định, thị trường có thể sẽ hồi phục trong nửa đầu tháng 5 và giảm trở lại trong nửa cuối tháng 5 khi đây là thời điểm vùng trũng thông tin và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với diễn biến thị trường hiện tại. Vì vậy, thị trường có thể sẽ đi ngang quanh mức hiện tại của các chỉ số chính, tuy nhiên nhà đầu tư có thể mua dần cho các mục tiêu dài hạn. Cụ thể, dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt những cổ phiếu có các câu chuyện hỗ trợ. Nhóm cổ phiếu đáng quan tâm trong tháng 5 là Sản xuất và phân phối điện, Bất động sản, Vận tải.