Theo nội dung báo cáo, thực hiện các Quyết định phê duyệt chủ trương/điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là cơ quan có thẩm quyền, UBDND tỉnh Cao Bằng đã trình Hội đồng thẩm định liên ngành, Bộ GTVT thẩm định dự án.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, giai đoạn 1 dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được đầu tư với chiều dài hơn 93km (từ Km 0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đến khoảng Km 93+350 điểm giao với QL3 huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng).
Quy mô bề rộng mặt cắt ngang dự án là 17m (chiều dài khoảng 24% toàn tuyến) đối với các đoạn thông thường. Các đoạn khó khăn sẽ có bề rộng nền đường 13,5m (chiều dài khoảng 76% toàn tuyến, tương ứng khoảng 71km).
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 13.174 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước tham gia khoảng 6.580 tỉ đồng; Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng gần 6.600 tỉ đồng.
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, việc không thể triển khai đồng bộ bề rộng nền đường 17m trên toàn tuyến do nguồn vốn tại thời điểm đề xuất triển khai dự án khó khăn, cần phải phân kỳ đầu tư mặt cắt ngang.
Tuy nhiên, do điều kiện tuyến chủ yếu đi qua đồi núi, khe sâu, điều kiện thi công gặp nhiều khó khăn, nếu không triển khai thi công đồng bộ trong giai đoạn 1, việc thi công mở rộng giai đoạn 2 đảm bảo bề rộng nền đường đủ 17m với mặt cắt dạng chữ U, chữ L hai bên taluy dương sẽ không thực hiện được.
Trường hợp thực hiện được, khi nổ mìn, đào mở rộng taluy sẽ ảnh hưởng đến đường cũ và quá trình lưu thông trên đường.
Nhận định việc sớm triển khai thực hiện, hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về KT-XH của tỉnh, tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và các tỉnh lân cận, UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giai đoạn 2 của dự án được triển khai chuẩn bị các bước thủ tục đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Trước mắt, chấp thuận cho UBND tỉnh Cao Bằng lập thủ tục chuẩn bị các nội dung của dự án trong giai đoạn 2, tỉnh sẽ bố trí một phần ngân sách địa phương để thực hiện.
“Khi các thủ tục chuẩn bị đầu tư được duyệt, đề nghị Chính phủ cân đối và bố trí vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ; Xem xét cho phép chỉ định thầu toàn bộ các gói thầu thuộc giai đoạn 2 hoặc chỉ định thầu đối với phân đoạn mở rộng 71 km từ lý trình Km 0+00 – Km 93+350 của giai đoạn 1 cho đơn vị trúng thầu giai đoạn 1 thi công nhằm đảm bảo sự đồng bộ, đáp ứng tiến độ dự án”, UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT), dựa trên cơ sở các báo cáo của địa phương, Hội đồng thẩm định liên ngành sẽ thông báo ý kiến thẩm định dự án tới UBND tỉnh Cao Bằng vào tháng 7.2023.
Trên cơ sở này, Bộ KHĐT đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án, làm căn cứ để thực hiện công tác GPMB, lựa chọn nhà đầu tư và có thể khởi công dự án trong quý IV/2023.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhận định, điểm nghẽn lớn nhất của Cao Bằng hiện nay là kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối.
Do vậy, dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có ý nghĩa lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của cả vùng nói chung, tỉnh Cao Bằng nói riêng.
“Với sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền, tỉnh Cao Bằng sẽ quyết tâm huy động mọi nguồn lực, tháo gỡ mọi khó khăn để thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất”, ông Ánh nói và cho biết, hiện nay, tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt cấp phép 11 mỏ vật liệu phục vụ dự án, sẵn sàng các bước thực hiện dự án ngay sau khi có kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.