Thua lỗ nặng nề
Các doanh nghiệp điện gió vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (thuộc Tập đoàn Trung Nam) đang vận hành dự án điện gió Ea Nam 400 MW – mới báo lỗ 859 tỉ đồng.
Dự án Ea Nam của Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 ghi nhận nợ phải trả hơn 12.100 tỉ đồng cuối năm ngoái, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu. Phần lớn trong đó là nợ trái phiếu còn khoảng 9.800 tỉ đồng.
Công ty Cổ phần Phong Điện Ia Pết Đak Đoa 1 năm 2021 lãi 7 tỉ đồng nhưng đến năm 2022 lỗ 209 tỉ đồng; Công ty cổ phần Phong Điện Ia Pết Đak Đoa 2 năm 2021 lãi 4,5 tỉ đồng, năm 2022 lỗ 201 tỉ đồng; Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Đại Dương năm 2021 lãi 2,1 tỉ đồng nhưng năm 2022 lỗ tới 154 tỉ đồng.
Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 (lãi 4,6 tỉ đồng năm 2021, lỗ 60,3 tỉ đồng năm 2022); CTCP Năng lượng Bắc Phương (lãi 10,9 tỉ đồng năm 2021, lỗ 31,5 tỉ đồng năm 2022).
Ngoài ra, ngành điện gió còn ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp báo lợi nhuận âm hàng chục tỷ đồng, như Phong điện Chơ Long, Điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1, Phong điện Yang Trung.
Điểm chung của các doanh nghiệp dự án điện gió thua lỗ là sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua huy động lượng lớn vốn vay từ trái phiếu doanh nghiệp.
Công thức chung khi huy động trái phiếu của nhóm này là trả lãi suất cao (9-10,75% một năm) trong giai đoạn đầu, sau đó thả nổi theo lãi suất tham chiếu.
Báo cáo gửi HNX của các đơn vị này đều ghi nhận hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu từ 4 lần trở lên, có doanh nghiệp nợ cao hơn vốn 5-6 lần.
Khắc phục những bất cập trong cơ chế đàm phán giá
23 nhà đầu tư điện gió, mặt trời chuyển tiếp như Công ty Cổ phần Năng lượng VPL; Công ty Cổ phần Năng lượng điện gió Tiền Giang; Công ty Cổ phần Phong điện Chơ Long; Công ty TNHH Điện gió Sunpro Bến Tre số 8; Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Linh 3,4 cũng vừa có văn bản cầu cứu Thủ tướng gỡ vướng, sau khi EVN đưa ra mức giá tạm tính trong lúc chờ đàm phán.
Các doanh nghiệp cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 28/84 nhà đầu tư nộp hồ sơ và đề nghị tham gia đàm phán giá với Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tuy nhiên, nhiều hồ sơ nộp chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán hoặc tiến độ đàm phán còn rất chậm do còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở để tính toán giá điện và đàm phán.
Để tránh lãng phí nguồn lực khi thời gian đàm phán kéo dài, EVN đưa ra mức giá tạm thời là tối đa 50% giá trần khung giá phát điện tại Quyết định số 21 (tương đương mức giá cho điện mặt trời mặt đất là 592,45 đồng/kWh; điện mặt trời nổi là 754,13 đồng/kWh; điện gió trong đất liền là 793,56 đồng/kWh; điện gió trên biển là 907,97 đồng/kWh).
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đánh giá: Mức giá trên đi ngược lại hoàn toàn với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và các cam kết của Chính phủ về cắt giảm khí thải carbon thông qua phát triển năng lượng tái tạo.
Dẫn chứng một dự án quy mô công suất 50 MW, chi phí đầu tư ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng với cấu trúc vốn vay 70%, nhà đầu tư tính toán: Với lãi suất hiện tại khoảng 12%/năm, sản lượng trung bình xấp xỉ 140GWh (tương đương hệ số công suất 32%), nếu áp dụng giá tạm đề xuất nêu trên, doanh thu chưa đạt tới 130 tỉ đồng mỗi năm.
“Chắc chắn không thể đủ dòng tiền chi trả chi phí vận hành tuabin cho nhà cung cấp khoảng 30 tỉ đồng (50.000-100.000 USD/tuabin) và lãi vay phát sinh gần 170 tỉ đồng”, các nhà đầu tư phân tích.
Vì thế, các nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục những bất cập trong cơ chế đàm phán giá phát điện và đề xuất có cơ chế huy động tạm thời các dự án, góp phần giảm áp lực chi phí, dòng tiền cho các nhà đầu tư.