Cùng với nhiều hộ gia đình người Dao tiền khác, bà Bàn Thị Giàng quê gốc ở xã Yên Hoa (Na Hang) đã chuyển về xã Tân An (Chiêm Hoá) để nhường đất xây dựng Thuỷ điện Tuyên Quang gần 20 năm nay. Đây đã trở thành quê hương thứ 2 của bà Giàng.
Những ngày đầu nơi đất mới nhiều khó khăn bỡ ngỡ nhưng bà Giàng luôn giữ trong mình suy nghĩ phải giữ lại cái lề lối, cái truyền thống. Bà cũng là người có công khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm và may trang phục truyền thống của người Dao tiền.
Chiếc khung cửi trước hiên nhà bà Giàng được mang từ quê cũ về và đã có tuổi đời hàng chục năm. Hàng ngày, bà Giàng vẫn ngồi tỉ mẩn bên khung cửi đan từng sợi chỉ màu.
Bà Giàng bảo: “Những ngày mới về, ai cũng bận mưu sinh đủ thứ việc làm, gần như khung được đắp chiếu, chỉ sợ mối mọt nên thi thoảng mở ra, lau lại từng chút một. Đa phần phụ nữ lao vào công việc ruộng đồng, mưu sinh.
Gần như không ai theo nghề thêu dệt thổ cẩm nữa. Chỉ còn người già với nhau vài ba tháng hoàn thành một bộ trang phục truyền thống, người trẻ gần như chẳng ai tha thiết với nghề nữa. Xót xa lắm, chỉ lo mất nghề cha ông”.
Dù lúc đó chỉ có một mình thêu dệt thổ cẩm những bà Giàng vẫn quyết tâm làm khi đặt vải từ chợ xã và bắt đầu nhuộm chàm từng vuông vải. Phần họa tiết phải in sáp ong bà nhờ người mang ra phố huyện in công nghiệp, còn lại bà tự tay ngồi thêu từng họa tiết.
Khi sản phẩm đã hoàn thiện, bà Giàng lại chạy xe máy về chợ phiên Linh Phú, Tri Phú để chào hàng… Hàng làm ra đến đâu bán được hết đến đấy như tiếp thêm quyết cho bà Giàng gắn bó với nghề.
Nhiều phụ nữ trong thôn cũng được bà Giàng đặt hàng, tất cả sản phẩm đều được may tay. Mỗi bộ trang phục truyền thống của người Dao tiền được bà hoàn thành trong khoảng 10 ngày. Những chi tiết khó phải thêu từ mặt trái của vải để làm cho họa tiết nổi lên ở mặt phải phải chuẩn xác đến từng chi tiết.
Giờ thì ở thôn Tân Cường (xã Tân An) nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Dao tiền được hồi sinh mạnh mẽ, có những nhà, cả 3 thế hệ phụ nữ trong gia đình đều thành thạo. Phụ nữ trong thôn tập trung lại thành từng nhóm, tỉ mẩn với từng họa tiết, tiếng cười nói rôm rả.
Ông Ma Doãn Đức – Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết, hiện nay xã đang có chủ trương đưa những sản phẩm từ nghề dệt truyền thống của người Dao tiền ở Tân Cường thành sản phẩm phục vụ du lịch.
Các sản phẩm như vải chàm, trang phục phụ nữ, túi… do những người phụ nữ Dao tiền ở Tân Cường làm ra đã được một số điểm bán hàng du lịch trong huyện đặt hàng, như điểm du lịch thác Bản Ba, xã Trung Hà.
Cũng theo vị Chủ tịch xã: “Việc hồi sinh, phát triển nghề thêu, dệt là nguyện vọng chung của đồng bào Dao tiền. Về lâu dài, xã sẽ cho thành lập Câu lạc bộ bảo tồn và gìn giữ trang phục dân tộc tại đây. Đồng thời dạy nghề để tạo thêm các sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của người dân và du khách hơn”.