Tờ Nikkei cho hay, UOB hoàn tất việc sáp nhập với các nhánh ngân hàng tiêu dùng Citi của Mỹ tại Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, tăng số lượng khách hàng trong khu vực từ 5 triệu lên hơn 7 triệu vào cuối tháng 3.
Với kế hoạch sáp nhập chi nhánh của Citi ở Indonesia dự kiến vào cuối năm nay, số lượng khách hàng của UOB sẽ đạt 8 triệu. Bốn trên 10 thị trường trong ASEAN dự kiến giúp tăng doanh thu của UOB lên 1 tỉ đô la Singapore (SGD), tương đương 750 triệu USD mỗi năm.
Thương vụ mua lại ngân hàng này đã được công bố vào đầu năm ngoái, với việc UOB mua các danh mục cho vay không có bảo đảm và có bảo đảm của Citi cùng với các hoạt động kinh doanh quản lý tài sản và tiền gửi bán lẻ tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam, với giá khoảng 4,9 tỉ SGD.
Thỏa thuận này là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu của Citi, khi ngân hàng Mỹ rút khỏi 13 thị trường quốc tế, bao gồm cả 4 quốc gia ASEAN.
UOB – có mô hình kinh doanh tập trung vào việc phát triển các nguồn thu nhập trong khu vực – trong năm qua đã bận rộn với việc sáp nhập các đơn vị của Citi vào kế hoạch Đông Nam Á của mình.
Trưởng nhóm Dịch vụ Tài chính cá nhân của UOB, bà Jacquelyn Tan, cho biết trong một cuộc họp báo với giới truyền thông rằng, tại ASEAN, Thái Lan và Malaysia dự kiến đóng góp phần lớn thu nhập nước ngoài, trong khi Việt Nam và Indonesia dự kiến là thị trường mới nổi của UOB, được cho là sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
“Thái Lan đứng thứ hai sau Singapore về số liệu – xét về đóng góp cho hoạt động kinh doanh ngân hàng tiêu dùng của chúng tôi, sau khi chúng tôi mua lại Citi” – bà nói. “Đó là thị trường có tính cạnh tranh cao với rất nhiều công ty địa phương rất mạnh hoặc thậm chí là các công ty trong khu vực”.
Bà Tan cho biết UOB đang nhắm mục tiêu phát triển bốn phân khúc kinh doanh cốt lõi của mình tại Thái Lan: Cho vay không có bảo đảm như thẻ tín dụng, cho vay có bảo đảm như thế chấp tài sản, quản lý tài sản và tiền gửi ngân hàng.
Đồng thời, bằng cách lấn sâu hơn vào thị trường Thái Lan và các thị trường ASEAN khác, UOB đang dấn sâu hơn vào một vũng rủi ro tín dụng tiềm ẩn khi triển vọng kinh tế toàn cầu không đồng đều có nguy cơ làm gia tăng nợ xấu đối với những nước có tỉ lệ nợ cao ở Đông Nam Á.
“Các khoản cho vay dành cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế cần phải được giám sát” – bộ phận nghiên cứu của ngân hàng HSBC nói về Thái Lan trong một báo cáo vào tháng trước. “Nợ của các hộ gia đình, mặc dù gần đây giảm nhẹ, nhưng đã tăng lên đáng kể kể từ đại dịch COVID-19”.
Tại Malaysia, thị trường ASEAN lớn khác của UOB ngoài Thái Lan và Singapore, một số điểm yếu đã được nhìn thấy trong lĩnh vực ngân hàng trong quý đầu tiên của năm cũng như trong một số phân khúc cho vay nhất định – nhà phân tích Desmond Ch’ng của Ngân hàng Đầu tư Maybank viết trong một báo cáo tháng 5.
“Tăng trưởng cho vay chậm hơn một chút đối với các khoản thế chấp, cho vay cá nhân và thẻ tín dụng, trong khi giao dịch ký quỹ bằng cổ phiếu thậm chí còn giảm nhiều hơn” – Ch’ng nhận xét trong báo cáo khảo sát tình hình của các tổ chức tài chính ở Malaysia.
Thừa nhận những khó khăn ở ASEAN, bà Tan của UOB cho biết trọng tâm chiến lược của ngân hàng trong việc điều hướng những rủi ro như vậy là nhắm mục tiêu vào “giới đại chúng giàu có” cho đến những cá nhân rất giàu có ở những thị trường mà ngân hàng mua lại các đơn vị của Citi, những khách hàng này sẽ là những khách hàng có ít nhất 50.000 SGD trở lên trong tài sản cần quản lý.
Bà Tan cho biết UOB đã chuyển đổi các chi nhánh Citi mà UOB đã tiếp quản trong khu vực.
Đối với nhân viên của Citi, khoảng 5.000 người trên bốn thị trường đã được bổ sung vào danh sách khoảng 6.000 nhân viên hiện có của UOB trong khu vực. 90% nhân viên từ các đơn vị ASEAN của Citi vẫn làm việc trong doanh nghiệp được sáp nhập, phần còn lại hoặc nghỉ hưu hoặc chuyển sang việc khác. Bà cho biết UOB đã cam kết tuyển dụng toàn bộ nhân viên của Citi.
Tại Việt Nam – được coi là một trong những thị trường tăng trưởng cao nhất của UOB – bà Tan cho biết trọng tâm của UOB sẽ là phát triển cơ sở khách hàng thông qua các dịch vụ ngân hàng số. UOB chỉ có một chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
“Đó là một quốc gia rất trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số và sử dụng điện thoại di động cao. Tư duy ưu tiên ngân hàng số dành cho người tiêu dùng ở Việt Nam có lẽ sẽ là một điều tạo nên sự khác biệt” – bà Tan nói.