Đơn vị thi công vào lấy mẫu
Như Báo Lao Động đã phản ánh, sau 5 tháng nghiệm thu, công trình tu bổ, phục hồi tháp Bắc, tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ có kinh phí lên đến 12,6 tỉ đồng, đã xuất hiện chi chít những vệt đốm trắng như muối, loang lổ, rêu mốc phủ đầy trên bề mặt gạch mới.
Ngoài ra, nhiều vị trí quanh bề mặt tháp Chăm bị xuống cấp nghiêm trọng, tường gạch lồi lõm, lởm chởm, được gia cố tạm bợ…
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, đơn vị làm chủ đầu tư dự án trung tu cho biết, muối không ảnh hưởng đến kết cấu tháp, chỉ gây mất mỹ quan. Do dự án đang trong thời gian bảo hành, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu đơn vị thi công là Viện Khoa học Công nghệ xây dựng vào khảo sát, đưa ra cách khắc phục.
Theo ghi nhận của Báo Lao Động, ngày 13.5, đơn vị thi công Viện Khoa học Công nghệ xây dựng đã có mặt tại khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ. Đại diện đơn vị này cho biết đoàn lưu lại khoảng 4 ngày để xử lí bề mặt bị rêu mốc, “muối hóa”. Đồng thời, khoan lấy mẫu gạch mới sử dụng và gạch nguyên mẫu để kiểm định, tìm ra nguyên nhân khắc phục hiện tượng trên.
Trong khi đó, ông Đặng Khánh Ngọc, Viện trưởng Viện bảo tồn Di tích thuộc Bộ Văn hóa đánh giá: “Việc xuất hiện muối trên công trình sau trùng tu sẽ ảnh hưởng đến độ bền của những viên gạch và các thành phần trong khối xây của di tích. Về lâu dài hiện tượng này có thể phá hủy bề mặt gạch di tích”.
Khó xử lí triệt để
Theo ông Ngọc, hiện tượng muối hóa xảy ra ở các mức độ khác nhau trên các tháp Chăm ở Việt Nam. Gạch gốc vẫn có rêu bám, mốc nên sau khi trung tu phải chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên.
Về giải pháp chống muối hóa, rong rêu ở cụm di tích tháp Khương Mỹ, ông Ngọc cho rằng cần phải có dự án toàn diện xử lí từ trên xuống dưới, từ phần mái đến phần móng. Muốn triệt để nhất thì phải xử lí cả 2 nguyên nhân nước mưa từ phần mái thấm xuống và nước ngầm từ dưới lên. Nhưng dự án này kinh phí không cho phép, chỉ xử lí từ phần thân tháp là chính, còn phần trên chưa được đụng đến.
Đối với hiện trạng gạch lởm chởm lộ ra trên bề mặt tháp dù mới được trùng tu, theo đơn vị thi công, với kinh phí xây lắp 10 tỉ chỉ tập trung chống sập 2 di tích tháp Giữa và Bắc, còn các cửa giả và phần mái trên đỉnh không nằm trong hạng mục trùng tu. Nếu để xử lí hết thì tốn rất nhiều kinh phí.
Theo báo cáo kết quả nghiệm thu hoàn thành thi công công trình tu bổ di tích tháp Chăm của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, ngoài các hạn mục tu bổ khối xây lõi tường tháp và gia cố gắn kết các vết nứt ngang tường tháp bằng gạch chăm phục chế… còn có hạng mục tu bổ các chi tiết chạm khắc: soi chỉ, hoa văn trên bề mặt tháp. Tuy nhiên, qua quan sát bằng mắt thường, sau khi trùng tu nhiều chi tiết chạm khắc đã được thay thế bằng gạch mới, trơn và không có hoa văn.
Trước câu hỏi vì sao dự án trùng tu di tích tháp Chăm không được giao cho một đơn vị có chuyên môn sâu về trùng tu di tích làm chủ đầu tư mà lại giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, ông Thành cho biết: Theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng các Ban quản lí của Sở VHTT&DL sáp nhập về Ban QLDA tỉnh và Ban có đội ngũ cán bộ chuyên ngành văn hóa tiếp tục quản lí mảng này. Ngoài ra, Ban cũng thuê các đơn vị thiết kế dự án của Bộ.