Sáng sớm 13.5, nhiều người dân tại Tây Ninh một lần nữa lại được chiêm ngưỡng đám mây hình đĩa bay hiếm thấy, xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen – đỉnh núi cao nhất Nam bộ.
Anh Phạm Hùng Thái (Tây Ninh) cho biết: “Từ 6 giờ sáng nay khi ra đường đi làm, tôi bất ngờ khi thấy cả ngọn núi như được đội thêm một chiếc nón mây trắng bồng bềnh, ảo diệu. Dù từng chứng kiến hiện tượng này vào tháng 11 năm ngoái, nhưng rất nhiều người dân vẫn hiếu kì và dừng lại chụp ảnh hiện tượng mây độc đáo này”.
Một hướng dẫn viên du lịch tại núi Bà Den cho biết: “Sáng nay mặt trời mọc lúc 5h30, đó cũng là lúc xuất hiện hiện tượng mũ mây trên đỉnh núi. Kéo dài suốt gần 3 tiếng đồng hồ, hiện tượng này khiến rất nhiều du khách đến thăm quan núi Bà Đen thích thú”.
“Đĩa bay mây” hay “mũ mây” là cách gọi hình tượng của hiện tượng mây thấu kính rất hiếm gặp, thường xuất hiện dọc theo các dãy núi cao và chỗ khuất gió bên sườn núi, nhất là khi có một dòng không khí ẩm ổn định bay ngang qua ngọn núi hay đồi. Khi lớp không khí ẩm bị đẩy lên cao và đạt đến một điểm bão hòa, nó cô đọng lại thành những đám mây.
Điểm đặc biệt của các đám mây thấu kính là luôn bất động, hiếm có cơn gió nào lay chuyển được. Hiện tượng này từng xuất hiện ở đỉnh núi Phú Sĩ (Nhật Bản), đỉnh núi lửa Mayon (Philippines) hay núi Etna (Italy) khiến nhiều người lầm tưởng là đĩa bay hay vật thể bay không xác định (UFO) của người ngoài hành tinh.
Tại núi Bà Đen, hiện tượng mây hình đĩa bay từng xuất hiện vào năm 2021, 2022 và năm nay tiếp tục “tái xuất” khiến ngọn núi này trở thành tâm điểm của các hiện tượng tự nhiên kỳ thú. Nằm cách TP Hồ Chí Minh khoảng 100 km, núi Bà Đen hiện đang trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực Nam Bộ, bởi hệ thống các công trình tâm linh kỳ vĩ và cảnh sắc thiên nhiên độc đáo.
Ngọn núi được mệnh danh là “nóc nhà” Nam Bộ này cũng là nơi xuất hiện nhiều hiện tượng mây hiếm gặp như đám mây hình phượng hoàng vào dịp Tết Dương lịch 2023, hay hiện tượng “cầu vồng lửa” trên đỉnh núi vào tháng 1.2023.