Ghi nhận của Lao Động trong ngày 11.5, tại nhiều tuyến phố của Hà Nội như Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Lê Văn Hưu, Châu Long…, rất nhiều cây xanh có dấu hiệu chết khô, nghiêng đổ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho những người dân sinh sống quanh khu vực cũng như người tham gia giao thông.
Đơn cử tại khu vực số nhà 42W phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), một thân cây lớn có đường kính khoảng 50cm đã khô héo, vỏ cây đã bắt đầu dấu hiệu bong tróc nhưng chưa được đánh chuyển, cắt hạ.
Hay, tại trước nhà số 19 phố Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng), một cây xanh đường kính lớn khác có nhiều dấu hiệu mục nát ngay tại nút giao giữa phố Lê Văn Hưu và phố Thi Sách. Nhiều vết nứt rộng cùng các đoạn mục sâu trên thân cây báo hiệu những nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Khi được hỏi về tình trạng thân cây chết khô trên tuyến phố này, ông Nguyễn Quang Huy (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Đây là một cây xanh có dấu hiệu chết khô từ suốt nhiều năm nay. Dưới tác động của thời tiết, trải qua nhiều trận dông gió lớn nên gốc cây này có nhiều dấu hiệu nghiêng đổ xuống lòng đường”.
Ông Huy cho biết thêm, người dân ở đây cũng nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng nhưng kết quả nhận lại được là sự đùn đẩy trách nhiệm, thờ ơ khiến người dân đành phải chấp nhận “sống chung với lũ”.
Hiện tượng cây xanh nghi chết khô cũng xảy ra tương tự trên đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), khi ngay trước cửa tòa nhà số 110, hai cây xanh không còn dấu hiệu của sự sống vấn chưa được xử lý.
Điều đáng nói, đây là tuyến giao thông có lưu lượng phương tiện lớn mỗi ngày. Việc cây xanh chết khô không được đánh chuyển tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả người và phương tiện khi di chuyển qua đây.
Thường xuyên di chuyển trên đường Cầu Giấy, chị Tạ Hồng Lụa (quận Đống Đa) không khỏi bức xúc trước tình trạng những gốc cây có dấu hiệu chết khô như vậy nhưng vẫn chưa được kiểm tra, cắt bỏ.
“Mỗi lần di chuyển qua tuyến đường này, đặc biệt những lúc mưa to, tôi luôn cố gắng đi cách xa khu vực vỉa hè để phòng trừ trường hợp thân cây có thể đổ gục bất cứ lúc nào” – chị Lụa nói.
Chị Lụa cho rằng, cơ quan chức năng cần chủ động hơn nữa trong công tác kiểm tra, rà soát để kịp thời cắt tỉa những tán cây lớn, cây có nguy cơ gãy đổ.
Đặc biệt, cần xử lý ngay các trường hợp cây sâu, mục, cây đã chết khô có nguy cơ gãy đổ và tiến hành các biện pháp gia cố, chằng chống trong trường hợp cần thiết khi mùa mưa bão đang đến gần.