Thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 32,5%
Mới đây, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có kiến nghị sau giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, kết quả thi hành án để thu hồi tài sản trong các vụ án liên quan đến tham nhũng, kinh tế mặc dù đã có nhiều cố gắng, đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn thấp, chỉ đạt 32,53% so với tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Một số vụ việc quá trình giải quyết vụ án và việc xử lý tài sản còn kéo dài, mất nhiều thời gian.
Theo báo cáo, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế chung giai đoạn 2020-2022 như sau:
– Về việc: Tổng số việc phải thi hành là 10.275 việc; số việc có điều kiện thi hành là 9.041 việc; số đã thi hành xong là 8.197 việc; số chuyển kỳ sau là 2.078 việc.
– Về tiền: Tổng số tiền phải thi hành là trên 109.121 tỉ đồng; số tiền có điều kiện thi hành là trên 63.105 tỉ đồng; số tiền đã thi hành xong là trên 35.501 tỉ đồng; số tiền chuyển kỳ sau là trên 73.620 tỉ đồng.
Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo (tính đến 30.9.2022) như sau:
– Trong tổng số 121 vụ việc, đã thi hành xong 45 vụ việc, đã xử lý xong hết tài sản, đã xác minh và phân loại chưa có điều kiện thi hành án 7 vụ việc; đang tiếp tục tổ chức thi hành 59 vụ việc; cơ quan thi hành án dân sự chưa thụ lý ra quyết định thi hành án do Tòa án chưa xét xử phúc thẩm hoặc cơ quan thi hành án dân sự chưa nhận đủ tài liệu, bản án 10 vụ việc.
– Về tiền: Tổng số phải giải quyết là trên 130.870 tỉ đồng; số đã thi hành xong là trên 56.387 tỉ đồng, còn phải thi hành là trên 74.482 tỉ đồng.
“Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản còn thấp, quá trình giải quyết vụ án còn chậm. Việc xử lý tài sản của cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo quy định chung về thi hành án dân sự nên hiệu quả thu hồi tài sản chưa cao, chưa triệt để; việc xử lý tài sản bị kéo dài.
Chưa thể chế cụ thể, chỉ rõ thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt”, bà Ánh thông tin.
Loạt giải pháp để tăng tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng
Để khắc phục các vấn đề trên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phân công kiểm tra và giám sát việc thực hiện rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt.
Đồng thời tháo gỡ “điểm nghẽn, nút thắt” trong các giai đoạn giải quyết, thu hồi tài sản của các cơ quan; hoàn thiện quy định về phòng, chống tham nhũng trong thu hồi tài sản.
Kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm giữ, tạm ngừng giao dịch tài khoản. Tạm thời kê biên tài sản/phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong một thời hạn cụ thể trước khi áp dụng các quy định tại Điều 128, Điều 129 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Xem xét nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại đã gây ra để xây dựng hành lang pháp lý thống nhất có tính khả thi. Các quy định về hạn chế hình thức sử dụng tiền mặt và tăng cường các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cần được thực hiện triệt để quyết liệt trong các lĩnh vực.
Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và các tổ chức quốc tế để xác minh, truy tìm tài sản, thực hiện việc tương trợ tư pháp về hình sự đối với tài sản, tài khoản người phạm tội tẩu tán ra nước ngoài.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa để giảm thiệt hại, thất thoát về tài sản tham nhũng thông qua việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy Nhà nước.