4 tháng giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 34%
Theo báo cáo số 207 của UBND tỉnh Bến Tre, trong 4 tháng đầu năm 2023, Bến Tre đã giải ngân được 1.869 tỉ đồng, đạt 34,45% kế hoạch vốn. Riêng đối với vốn từ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, tỉnh Bến Tre có 4 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tổng kế hoạch vốn đã được Trung ương phân bổ là 1.045 tỉ đồng.
Hiện các dự án đều đã hoàn tất các hồ sơ, thủ tục theo quy định, đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án và đang triển khai thi công xây dựng; tiến độ giải ngân đến ngày 10.4.2023, được 467 tỉ đồng, đạt 45% kế hoạch.
Trong đó, dự án Nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp đã giải ngân hơn 23,3 tỉ đồng, đạt 11,7% kế hoạch vốn; Còn dự án Đường gom Đường vào Cầu Rạch Miễu 2 đã giải ngân hơn 416,5 tỉ đồng, đạt 60,19% kế hoạch vốn. Riêng dự án đầu tư xây dựng 2 Trung tâm Y tế tuyến huyện Bình Đại, Ba Tri đã giải ngân hơn 26,5 tỉ đồng, đạt 28,26% kế hoạch vốn từ Chương trình.
Năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước tỉnh Bến Tre là hơn 5.425 tỉ đồng. Nguồn vốn trên, UBND tỉnh Bến Tre đã giao cho 28 chủ đầu tư quản lý sử dụng thực hiện 88 chương trình/dự án.
Thành lập tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công
Mới đây ngày 11.5, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã ký Quyết định số 991/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra tình hình giải ngân và đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra tình hình giải ngân và đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Cụ thể, Tổ công tác do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng; các Tổ phó là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, phụ trách Đầu tư công (Tổ phó thường trực) và Phó Giám đốc Sở Tài chính, phụ trách Tài chính đầu tư và giá cộng sản.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra, giải quyết, tháo gỡ các điểm nghẽn về tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án của các chủ đầu tư, nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân dự án theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền;
Bên cạnh đó, tổ công tác tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý nghiêm đối với các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đề xuất cấp có thẩm quyền thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu và kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công;
Ngoài ra, định kỳ 2 tuần hoặc trong trường hợp cần thiết báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả, tiến độ, hướng xử lý kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến nghị khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, phối hợp các Đoàn công tác đặc biệt, chuyên ngành của Trung ương có cùng nhiệm vụ để theo dõi tiến độ thực hiện dự án trên địa bàn.
Về quyền hạn, Tổ công tác có quyền yêu cầu các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án cung cấp thông tin, giải trình, làm rõ các khó khăn, vướng mắc gây cản trở tiến độ thi công, kết quả giải ngân của các dự án; đi kiểm tra thực địa các công trình đầu tư công. Đồng thời, yêu cầu các Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, điều chỉnh kế hoạch thi công phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.