Bộ Công an cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 522 vụ cháy, làm chết, bị thương 46 người.
Đặc biệt, vụ cháy xảy ra ngày 13.5 tại tổ dân phố số 8 (phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội) làm 4 người trong cùng một gia đình tử vong.
Việc này tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp bách về phòng, chống cháy nổ đối với mọi người dân, gia đình, cơ quan, doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân những kỹ năng cần thiết để xử lý khi có cháy như sau:
Tìm cách dập lửa, báo cháy và thoát nạn
Cần bình tĩnh tìm ngọn lửa và khói. Nếu đám cháy nhỏ cần tìm cách chữa cháy bằng nước, bình chữa cháy, cát, chăn ướt.
Nếu cháy quá lớn không thể dập lửa phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm, hô hoán cho mọi người biết cùng thoát hiểm và gọi điện thoại lập tức đến số điện thoại 114.
Nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn an toàn
Trước hết phải xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm:
Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề.
Đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang dây, dây tự cứu hạ chậm…
Không cố mang theo những đồ có giá trị hay tìm vật nuôi trong nhà, không cố tìm hiểu nguyên nhân đám cháy.
Ngắt cầu dao điện nơi xảy ra đám cháy bởi điện gây cháy nổ sẽ dẫn đến đám cháy bùng phát nhanh hơn.
Khi lửa và khói đã chặn mất lối thoát nạn chính: Nếu ở tầng thấp thì có thể thoát ra ngoài qua đường cửa sổ hoặc ban công.
Nếu không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi người vào một phòng, ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo ướt hoặc băng dính. Kêu cứu từ cửa sổ.
Khi ra ngoài, chỉ mở cửa bạn cần; đóng tất cả các cánh cửa đang mở để ngăn đám cháy lan nhanh. Tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn.
Đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm thì không mở, không dùng lòng bàn tay để tránh bị bỏng. Nếu tay nắm cửa mát và không thấy khói quanh cửa, bạn có thể mở cửa chậm và cẩn thận tránh người, mặt sang một bên đề phòng lửa tạt. Khi mở cửa, nếu thấy lửa bùng lên hay có khói xông vào phòng thì đóng cửa thật nhanh, chặt.
Tuyệt đối không nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ vì sẽ rất khó khăn để lính cứu hỏa tìm ra bạn.
Hạn chế tối đa tiếp xúc với lửa hoặc khí độc
Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc bằng cách lấy khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng.
Khi di chuyển tránh chạm vào các đồ đạc có thể dẫn nhiệt gây bỏng.
Tuyệt đối không xông qua đám cháy. Luôn giữ cơ thể ở vị trí thấp để tìm đường thoát hiểm, phòng bị nhiễm khói.
Nếu quần áo của bạn bị cháy, đừng chạy, hãy dừng lại và lăn người vòng quanh để dập lửa.
Tuyệt đối không quay lại khi đã thoát ra ngoài được; không quay vào khu vực bị cháy vì có thể bị nguy hiểm.
Nếu bên trong còn có người mắc kẹt, hãy mô tả thật chi tiết để lính cứu hỏa tiếp cận và cứu người mắc kẹt một cách nhanh nhất.
Cần thiết trang bị búa, rìu, kìm cộng lực
Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bảo vệ phía ngoài, Bộ Công an khuyến cáo có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề.
Nếu không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc mở rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể di chuyển tới nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Để bình tĩnh ứng phó với sự cố cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hạn chế thương vong, bạn và gia đình cần trang bị kiến thức và kỹ năng phòng cháy chữa cháy; nên trang bị những thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm như: bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thang dây thoát hiểm.