Kỉ lục điền kinh Việt Nam
Tại SEA Games 32, đội tuyển điền kinh Việt Nam mang về 40 huy chương, trong đó có 12 huy chương vàng, 20 huy chương bạc và 8 huy chương đồng, xếp thứ 2 toàn đoàn sau Thái Lan.
Các vận động viên của điền kinh Việt Nam tham dự đại hội cũng nhận được sự thán phục của người hâm mộ bởi tinh thần vượt khó, nỗ lực và chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.
Bên cạnh dấu ấn của Nguyễn Thị Oanh, “bà mẹ một con” Nguyễn Thị Huyền cũng là một trong số những vận động viên nổi bật của điền kinh Việt Nam.
Cụ thể, ở SEA Games 32, Nguyễn Thị Huyền có 3 huy chương vàng ở nội dung cá nhân 400m rào nữ, tiếp sức 4x400m nữ và tiếp sức 4x400m hỗn hợp. Ngoài ra, còn có 1 tấm huy chương bạc cự li 400m nữ.
Màn thể hiện ấn tượng của Nguyễn Thị Huyền khiến các huấn luyện viên người Thái Lan chú ý. Điền kinh xứ chùa Vàng phải thừa nhận, họ mơ ước có những vận động viên đặc biệt như Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Oanh.
Với thành tích 3 huy chương vàng tại đại hội năm nay, tính đến thời điểm hiện tại, chân chạy người Nam Định đã giành được tổng cộng 13 huy chương vàng trong 5 kì SEA Games liên tiếp giai đoạn 2015-2023. Đây cũng là kỉ lục của một vận động viên điền kinh Việt Nam tại đấu trường Đông Nam Á.
Con gái là động lực vượt qua thử thách
Để có được thành công như hiện tại, Nguyễn Thị Huyền đã trải qua những tháng ngày khó khăn và thử thách, khi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia, vừa thực hiện thiên chức của một người mẹ.
Bản thân nữ vận động viên cũng cảm nhận được sức khoẻ của mình có phần giảm sút khi sinh con gái đầu lòng năm 2018.
“Với nội dung 400m vượt rào, các vận động viên cần cả sức bền lẫn tốc độ. Tôi cảm nhận rằng, mình mất tốc độ rất nhiều, nhất là tốc độ giữa quãng, khoảng thời gian mà tôi lên rào.
Khi tôi chưa sinh con, sức mạnh tốc độ của tôi rất tốt, lên rào rất nhanh, tốc độ xuống rào cũng rất nhanh. Sinh con xong, tôi không còn thể hiện được nhiều về điểm mạnh nhất của mình” – Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.
Không chỉ SEA Games 32 tại Campuchia, trước đó, ở kì SEA Games 2019 diễn ra ở Philippines, Nguyễn Thị Huyền cũng gặp khó khăn khi trở lại đường chạy chỉ 13 tháng sau sinh.
Vận động viên sinh năm 1993 tâm sự: “Một người phụ nữ mới sinh xong 3 tháng (sinh mổ) đã phải tập lại ngay. Mọi người trêu tôi rằng phải mang cả thế giới trên vai. Người tôi rất nặng, tập lại là chân tay rất đau, nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi đã đặt mục tiêu thì không thể dễ bỏ cuộc đến vậy. Tôi phải cố gắng nhiều hơn để có thành tích”.
Theo Nguyễn Thị Huyền, để giành được huy chương vàng SEA Games là một quá trình vất vả. Đặc biệt, khi có con nhỏ, khó khăn càng nhiều hơn so với thời điểm ở đỉnh cao phong độ. Nhưng nhờ vậy, tấm huy chương cũng trở nên ý nghĩa hơn khi có sự đồng hành và ủng hộ của gia đình nhỏ.
Dù sức khoẻ có phần giảm sút so với thời kỳ đỉnh cao, nhưng thời điểm hiện tại, Nguyễn Thị Huyền vẫn duy trì được phong độ ổn định, tập luyện và thi đấu đều đặn. Đó cùng là điều khiến nhiều vận động khác mơ ước.
Đứng trước câu hỏi về việc có tham dự kỳ SEA Games tiếp theo hay không khi đã bước qua tuổi 30, chân chạy người Nam Định vẫn muốn tiếp tục cống hiến cho thể thao Việt Nam.
“Như tôi đã từng chia sẻ, bản thân đã 30 tuổi, độ tuổi cũng khá lớn với một vận động viên đỉnh cao và sức khoẻ không được như trước. Mục tiêu của tôi là từng bước, trải qua từng giải đấu.
Chẳng hạn như khi SEA Games 31 trên sân nhà kết thúc, tôi lại đặt mục tiêu cho kì SEA Games tiếp theo. Tôi thi đấu lâu rồi, có kinh nghiệm nên cảm nhận được cơ thể của mình. Tôi hi vọng mình đáp ứng được bài tập.
Nội dung của tôi đòi hỏi nhiều thể lực, tốc độ, thiếu một trong hai cũng không thể được. Tôi vẫn muốn cống hiến nhiều hơn nữa” – Nguyễn Thị Huyền khẳng định.