Vaccine hết hạn thường không còn kháng thể
Liên quan đến việc tiêm vaccine hết hạn cho trẻ em tại Thanh Hóa, theo một chuyên gia y tế, vaccine khi đã hết hạn sử dụng thì tác động, hiệu quả của nó không đạt được yêu cầu nhà sản xuất đặt ra.
Đặc biệt, vaccine hết hạn sử dụng thường không còn khả năng kháng thể và nó có thể gây biến chứng cho người được tiêm vì một số thành phần của thuốc có thể biến chất.
Cụ thể, thành phần vaccine biến chất gây ra hai hậu quả. Thứ nhất, vaccine hết hạn thì khả năng miễn dịch không còn nên không tạo ra kháng thể để bảo vệ và phòng ngừa.
Thứ hai, đôi khi những thành phần trong thuốc có thể biến đổi thành những chất khác có tác dụng gây hại cho cơ thể, gây nhiễm trùng bội nhiễm.
Nếu trót tiêm vaccine quá hạn thì nguyên tắc bắt buộc là phải theo dõi, đánh giá hiệu quả và tác dụng của vaccine này như thế nào. Tùy theo loại có thể theo dõi đánh giá được hiệu quả và tác dụng.
Một chuyên gia khác cho rằng, mặc dù không loại trừ những nguy hiểm tới sức khỏe người sử dụng, nhưng việc sử dụng thuốc và vaccine đã quá hạn thường được quan tâm hơn tới vấn đề hiệu quả của thuốc còn bao nhiêu, đặc biệt với những thuốc sử dụng để điều trị bệnh có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Đối với vaccine, các hướng dẫn về thực hành tiêm chủng khi nhắc tới sử dụng vaccine quá hạn đều nhấn mạnh là hiệu quả vaccine có thể bị giảm so với vaccine đang trong thời hạn bảo quản.
Nghiêm túc chấn chỉnh việc thực hiện quy trình tiêm chủng vaccine tại địa phương
Về vụ việc vaccine hết hạn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã gửi Công điện số 510/CĐ-DP đến Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa.
Theo công điện, ngày 11.5.2023, Cục Y tế dự phòng nhận được báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đề ngày 10.5.2023 về sự cố tiêm chủng tại Trạm Y tế Thăng Bình, huyện Nông Cống.
Theo báo cáo của Trung tâm, sáng ngày 9.5.2023, Trạm Y tế đã tiêm vaccine Hexaxim mũi 1 hết hạn tháng 3.2023 cho 4/6 trẻ từ 2 tháng đến 4 tháng tuổi.
Thực hiện công tác quản lý sử dụng vaccine theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các nội dung sau:
Sở Y tế tổ chức điều tra, họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vaccine để đánh giá, kết luận về trường hợp nêu trên, triển khai các hoạt động khắc phục sự cố và báo cáo theo quy định;
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm và nghiêm túc chấn chỉnh việc thực hiện quy trình tiêm chủng tại địa phương, không để xảy ra các sai sót trong quá trình thực hiện tiêm chủng.
Rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng để chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng trên địa bàn; Tổ chức tập huấn lại cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng trên địa bàn trong trường hợp cần thiết để đảm bảo thực hành tiêm chủng an toàn theo quy định.
Chỉ đạo các đơn vị truyền thông tại địa phương thực hiện truyền thông đầy đủ tránh gây hoang mang cho người dân.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho địa phương trong việc điều tra, xác minh nguyên nhân sự cố sau tiêm chủng và đề xuất các hoạt động khắc phục sự cố trong thời gian tới.
Trước đó, Trạm y tế xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành tiêm dịch vụ các mũi 5 trong 1, 6 trong 1 cho 15 trẻ nhỏ trên địa bàn. Trong đó, có tiêm 6 mũi vaccine Hexaxim cho 6 trẻ nhỏ.
Sau khi tiêm xong các mũi vaccine Hexaxim, nhân viên trạm y tế xã đưa vỏ bọc thuốc cho các gia đình mang về nhà. Sau đó, các gia đình phát hiện 4 trong 6 mũi Hexaxim sản xuất ngày 30.4.2020, đã hết hạn sử dụng từ tháng 3.2023.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, các gia đình đã đưa 4 trẻ nhỏ (3 cháu 3 tháng tuổi, 1 cháu 6 tháng tuổi) đến trạm y tế thăm khám. Tại đây, các cháu có biểu hiện sốt nhẹ, tay sưng.