Như đã thông tin, Sacombank ghi nhận một số nội dung trên Facebook Thang Dang như sau: “Làm ngân hàng dù ở bất cứ đâu trên thế giới này là lãi nhất rồi mà cổ đông không được chia cổ tức trong 7 năm thì đúng Chủ tịch Sacombank là người bất tài. Anh này với mình còn là người không có đức”; “Chủ tịch ngân hàng mà có biết gì về “nghề” đâu”…
Ngân hàng này cho rằng, những lời lẽ nêu trên là “hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, hình ảnh của lãnh đạo Sacombank”, đồng thời “làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của ngân hàng”. Sacombank đã kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Tối 10.5, Facebook Thang Dang chính thức lên tiếng xin lỗi vì đã xúc phạm Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh và HĐQT ngân hàng này. Ông bày tỏ mong muốn qua lời xin lỗi này sẽ kết thúc những tranh luận “không đáng có và thiếu căn cứ” trên mạng xã hội mấy ngày vừa qua về sự cố đáng tiếc trên.
Trao đổi với Lao Động, luật sư Lê Thu Hằng – luật sư thành viên TAT Law Firm – cho biết, hành vi bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín tùy từng mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Nếu chỉ ở mức độ xử lý hành chính, người vi phạm có thể bị xử theo khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Cụ thể, đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 – 20 triệu đồng và bị buộc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Luật sư chia sẻ: “Người dùng cần phát ngôn cẩn trọng, có văn hoá ứng xử tốt khi sử dụng mạng xã hội. Cần có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật như Luật an ninh mạng và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tránh đưa các thông tin không được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức”.
Mọi hành vi vi phạm khi sử dụng mạng xã hội đều bị xử lý nghiêm theo quy định tuỳ theo mức độ, tính chất vi phạm. Do đó để tránh gây hậu quả như trên, người dùng mạng xã hội cần xây dựng riêng cho mình văn hoá ứng xử trên mạng xã hội.
Cụ thể như chấp hành đúng quy định pháp luật về việc sử dụng mạng xã hội. Không đăng tải, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng và phải có trách nhiệm với thông tin mình đăng tải. Không nên có những nhận xét, bình luận vội vàng không đúng hoặc ác ý với người khác để tránh việc gây xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân hoặc tổ chức dẫn đến các thiệt hại không đáng có cho các bên.