Mới đây, Báo Lao Động có bài viết “Người dân sốc khi bị yêu cầu truy thu hơn 80 triệu đồng tiền nước” phản ánh việc một số hộ dân tại huyện Hoài Đức, Hà Nội bị truy thu tiền nước.
Theo đó, hộ gia đình anh Nguyễn Minh Thắng (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) phản ánh rằng, giữa tháng 3.2023, anh nhận được cuộc gọi của nhân viên Công ty nước sạch Tây Hà Nội thông báo về việc đồng hồ nước khu nhà cho thuê trọ của anh có xuất hiện 1 lỗ thủng và 1 que tăm cắm vào công tơ.
Đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội sau đó đã lập biên bản kiểm tra hệ thống nước về việc đồng hồ của khách hàng bị can thiệp vào mặt hiển thị. Theo nội dung biên bản, đồng hồ bị cháy giữa mặt hiển thị (phần kim đen và kim đỏ). Tiết diện cháy dài khoảng 2cm, rộng 0,5cm. Tại vị trí gần mép cháy phía ngoài có thủng 1 lỗ tròn có cắm que tăm (có video và hình ảnh ghi lại sự việc).
“Dù tôi không kí vào biên bản, nhưng đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội thông báo tạm thời tháo đồng hồ, bịt tạm thời nguồn nước. Đồng thời, mời chúng tôi đến công ty để phối hợp giải quyết” – anh Thắng nói.
Tại đây, đại diện công ty lí giải rằng, do không biết sự việc xảy ra từ bao giờ, do đó công ty sẽ tính mức truy thu từ lúc lắp đặt đồng hồ, bắt đầu từ tháng 10.2018 đến tháng 3.2023 là 51 tháng.
“Tính trung bình 60 m3/tháng, nhân với giá nước kinh doanh là 25.000 đồng/m3, cộng thêm 1.500.000 đồng tiền thay đồng hồ mới, tổng cộng là 81.500.000 đồng” – anh Thắng dẫn lại lời của đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội.
Anh Thắng cho biết, cảm thấy khó hiểu với mức truy thu trên. Bởi, mỗi tháng phía công ty đều có nhân viên đến kiểm tra công tơ và đều không phát hiện bất cứ vấn đề nào về công tơ. Thêm vào đó, gia đình anh đều đóng tiền nước đầy đủ, chưa bao giờ đóng thiếu, đóng chậm.
Đây không phải lần đầu tiên người dân bức xúc về những lần truy thu tiền nước của công ty nước sạch.
Trước đó vào năm 2016, hơn 300 hộ dân ở khóm 4, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp bị trạm cấp nước truy thu tiền sử dụng nước từ vài trăm nghìn đồng cho đến 4 triệu đồng.
Người dân cho hay, tháng nào nhân viên của trạm cấp nước cũng đến ghi chỉ số nước và ngay sau đó, người dân đều đóng tiền đầy đủ. Thế nhưng, nhân viên trạm cấp nước lại đưa ra lí do là các hộ này chưa đóng đủ tiền nước trong hai năm qua.
Bức xúc vì cách xử lý truy thu tiền nước bất hợp lý của lãnh đạo trạm nước, nhiều người đã từ chối không đóng tiền truy thu này. Ngay sau đó, những người này bị thông báo cắt nước.
Hay vào năm 2017, một trường hợp ở quận Bình Tân, TPHCM cho biết bị công ty cấp nước sạch lập biên bản và tạm ngưng cấp nước với lý do đồng hồ quay ngược. Thế nhưng, ông này không kí vào biên bản vì không rõ nguyên nhân. Sau đó, cán bộ công ty cấp nước để lại biên bản và mời gia đình lên làm việc. Khi đến công ty, ông được thông báo đóng phạt hơn 7 triệu đồng.
Do thấy bất hợp lý, nên ông không đóng và xin biên bản phạt, biên bản cách tính ra con số hơn 7 triệu đồng thì không được cung cấp. Cán bộ công ty nói đây là văn bản nội bộ, không xem được.
Còn vào năm 2018, hàng chục hộ dân ở xóm mới Hồng Yên (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An) bị truy thu tiền nước máy với số tiền mỗi hộ hàng chục triệu đồng vì chưa nộp đủ tiền nước từ năm 2012.
Theo các hộ dân nơi đây, năm 2010, đường ống nước máy được kéo về xã Diễn Ngọc. Từ năm 2011, người dân xóm mới Hồng Yên bắt đầu sử dụng nước máy sạch. Ban đầu, hằng tháng có người đến từng nhà ghi số nước đồng hồ và thu tiền nước.
Tuy nhiên, từ năm 2012, người dân không thấy ai đến ghi công tơ nước và không thấy thu tiền nên người dân cứ “vô tư sử dụng” cho đến khi bị đòi tiền nước mới hốt hoảng.
Điểm chung của các vụ việc trên là phía công ty nước sạch dù thông báo truy thu, song lại không đưa ra được văn bản quy định về việc truy thu tiền nước khi đồng hồ gặp sự cố. Người dân vì không tâm phục khẩu phục nên đã không chịu đóng tiền truy thu, kéo theo đó là không có nước sạch để sử dụng.
Số khác dù không đồng tình với cách tính của phía công ty song vẫn “cắn răng” đóng tiền vì ngại thủ tục và sợ bị cắt nước.