Người dân vẫn còn băn khoăn nếu thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư
Anh Lê Xuân Thắng, quê Thanh Hóa, sinh sống ở Tây Mỗ, Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, bản thân anh rất mừng khi đón nhận thông tin cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 đi vào hoạt động. Vừa qua, anh về quê theo đường cao tốc mới đã tiết kiệm gần 1 tiếng. Đường cao tốc mới thông thoáng, chất lượng hơn hẳn so với đoạn đường cũ.
Tuy nhiên, anh Thắng bày tỏ băn khoăn, nếu thu phí cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 quá cao, anh có thể không đi vào cao tốc này nữa vì tăng chi phí đi lại. “Tôi vừa đóng phí đường bộ hơn 3 triệu đồng khi đi đăng kiểm ôtô hồi đầu tháng 5, giờ lại đóng thêm phí thì chẳng khác nào phí chồng phí” – anh Thắng than thở.
Còn anh Quách Văn Dương ở Hà Nội vừa mua ôtô mới với giá 620 triệu đồng. Anh Dương nhẩm tính, để lăn bánh chiếc xe này, anh đã đóng phí trước bạ (12%) khoảng 74 triệu đồng, phí sử dụng đường bộ 1 năm khoảng 1,5 triệu đồng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự gần 500 nghìn đồng, phí đăng kí biển số ở Hà Nội khoảng 20 triệu đồng… Khi lăn bánh trên đường, nếu đi vào cao tốc BOT, anh còn phải đóng thêm vài trăm nghìn đồng tùy vào chặng đi.
“”Nuôi” một chiếc xe ôtô ở Việt Nam vốn rất tốn kém, từ chi phí xăng xe, bảo dưỡng, gửi xe đến tiền thuế phí. Nếu phải gánh thêm phí cao tốc đường bộ do nhà nước làm chủ đầu tư sẽ là gánh nặng đối với người dân” – anh Dương nói.
Khó tránh tình trạng phí chồng khi thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư
PGS.TS Bùi Văn Vần, nguyên Trưởng khoa Doanh nghiệp tài chính, Học viện Tài chính cho biết, nếu thu phí cao tốc đường bộ do nhà nước đầu tư, khó tránh khỏi tình trạng phí chồng phí. Tuy nhiên, vấn đề này không quá lo ngại bởi mục tiêu của việc thu phí là để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Xét cho cùng, nguồn thu này nhằm phục vụ toàn xã hội.
Bày tỏ quan điểm về dự án thí điểm thu phí cao tốc đường bộ do nhà nước làm chủ đầu tư, PGS.TS Bùi Văn Vần cho biết, việc sử dụng dịch vụ và trả phí dịch vụ là điều bình thường trong nền kinh tế thị trường.
“Cao tốc đường bộ là bộ phận cơ sở hạ tầng giao thông, một phần cơ sở hạ tầng quốc gia. Nó có ảnh hưởng lâu dài và to lớn với sự phát triển kinh tế xã hội cũng như an ninh quốc phòng. Do đó, việc xây dựng hạ tầng là điều quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Nhà nước có trách nhiệm đứng ra thực hiện. Việc thu phí hay không thu phí đường bộ phụ thuộc vào nguồn lực ngân sách nhà nước.
Ví dụ nhiều nước ở Trung Đông, họ còn chia tiền cho người dân, ở những nước này có thể không đặt ra vấn đề thu phí. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nguồn ngân sách hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu phát triển hạ tầng rất lớn nên mất cân đối khả năng nguồn thu và nhu cầu chi tiêu. Do đó, chúng ta nghiên cứu thu phí đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư là hợp lý.
Điều quan trọng là các cơ quan nhà nước cần triển khai tuyên truyền để người dân nhận thấy việc đóng góp kinh phí cao tốc đường bộ do nhà nước đầu tư khi sử dụng là cần thiết, để họ thực hiện một cách tự nguyện và thoái mái” – PGS.TS Bùi Văn Vần phân tích.
Nguyên Trưởng khoa Doanh nghiệp tài chính, Học viện Tài chính cũng lưu ý, vấn đề xây dựng cao tốc do Nhà nước đầu tư được thực hiện chủ yếu từ ngân sách. Do đó, khi xây dựng phương án thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư phải có sự phân biệt với các dự án cao tốc BOT để kinh doanh. Không nên cao bằng, ngang bằng mức thu.
“Điều này sẽ giúp người dân cảm thấy được thấu hiểu chia sẻ với nhà nước. Đồng thời, quyền lợi của họ vẫn được đảm bảo. Như vậy mới không xảy ra các phản ứng cực đoan”, PGS.TS Bùi Văn Vần nhấn mạnh.