Miễn phí, nhưng công nhân vẫn không muốn ở!
Ngày 12.5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước kì họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Tại hội nghị, ông Bùi Văn Trường – Chủ tịch Công đoàn Công ty Luxshare ICT Vân Trung – phản ánh, khu nhà ở xã hội do Công ty Fuji Bắc Giang xây gồm 4 tòa 6 tầng và 6 tòa 18 tầng. 6 tòa 18 tầng dành cho người lao động Việt Nam của Công ty Luxsahre Vân Trung có 2.386 phòng ở, có thể bố trí cho 14.316 người ở (mỗi phòng 6 người). Tuy nhiên, theo số liệu thực tế chỉ có khoảng 500 người lao động ở, dù khu nhà có wifi, bình nóng lạnh, lại được ở miễn phí do công ty hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng/người.
“Qua khảo sát, một số nguyên nhân công nhân không muốn ở, do họ không được nấu nướng trong phòng, nên phải mua thức ăn ở ngoài với giá 25-40.000 đồng/suất; nam nữ phải ở riêng nên bất cập với lao động là vợ chồng, khó khăn trong tìm hiểu, giao lưu, kết bạn nam – nữ; ban quản lí cũng quy định giờ ra, vào nghiêm ngặt” – ông Trường cho biết.
Vì vậy, nhiều công nhân thuê phòng ở ngoài với giá 1,2 triệu đồng/tháng. “Việc xây dựng nhà ở xã hội nhưng không có người ở gây lãng phí quỹ đất, chi phí đầu tư và hiệu quả sử dụng. Vì vậy, tôi đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội xem xét cơ chế linh hoạt trong việc quản lí sử dụng nhà ở xã hội cho phù hợp với tình hình thực tế và thu hút được công nhân đến ở” – chủ tịch công đoàn cơ sở đề xuất.
Ông Trần Hữu Dũng – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Si Flex Việt Nam – cho biết, hiện khu nhà ở xã hội ở thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên) đã mở bán, nhưng có rất ít công nhân lao động đăng ký mua. “Nguyên nhân: Nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng giá rất cao. Ngoài ra, quy định về vay vốn, thẩm định đối tượng mua; tình trạng đầu cơ kinh doanh nên người lao động không tiếp cận được” – ông Dũng phản ánh và đề nghị xem xét lại cơ chế linh hoạt, thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho người lao động được mua nhà ở xã hội, tránh đầu cơ trục lợi.
Quy định thông thoáng để công nhân dễ tiếp cận
Ông Lê Ánh Dương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang – cho biết, toàn tỉnh có 39% công nhân lao động nội tỉnh đi lại trong ngày; còn lại là lao động ngoại tỉnh, nhưng biến động rất lớn.
Tỉnh đã có đề án quy hoạch nhà ở xã hội cho công nhân, theo đó, sẽ xây dựng 100.000 căn hộ nhà ở xã hội. Hiện đã có 12 dự án đã chọn được chủ đầu tư, trong đó có 1 dự án đã hoàn thành; 1 dự án đang đẩy nhanh tiến độ ở thị trấn Nếnh; 10 dự án còn lại đang giải phóng mặt bằng.
“12 dự án nhà ở xã hội sẽ đáp ứng được nhu cầu đến năm 2025. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh cũng đã có quy hoạch, tiếp tục triển khai” – ông Dương cho hay.
Ông Dương cho biết, hồ sơ đăng ký nhà ở xã hội tại dự án ở thị trấn Nếnh rất nhiều (trên 3.000), nhưng Sở Xây dựng mới duyệt được trên 200 trường hợp. Lí do là vướng mắc liên quan đến thủ tục, điều kiện mua, thuê mua, thuê nhà ở, trong đó nhất là điều kiện về thường trú; chưa có đất ở, nhà ở.
Theo ông Dương, hiện nay, đang sửa một số quy định. Các quy định sẽ thông thoáng hơn đối với nhà ở xã hội thị trấn Nếnh để công nhân dễ tiếp cận.
Đối với khu nhà ở xã hội do Công ty Fuji Bắc Giang xây, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng làm việc với công ty để kiểm tra về điều kiện, tiêu chuẩn ở. Ông Dương gợi ý nên chuyển đổi mô hình quản lí theo nhà chung cư, công ty không nên can thiệp sâu quá vào việc ở của công nhân.
Ngoài vấn đề nhà ở xã hội, các ý kiến còn phản ánh về vấn đề an toàn giao thông trong khu công nghiệp, an ninh trật tự tại khu trọ và nơi làm việc; khám bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ hành chính cho người lao động; các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội…
Ông Dương Văn Thái – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang – cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận các ý kiến của cử tri sẽ phân loại, giao cho các cơ quan có thẩm quyền các cấp xem xét giải quyết.