Theo cơ quan chức năng, lượng xe môtô vi phạm hành chính bị tạm giữ tại công an các huyện, thành phố đang tồn đọng khá nhiều. Thậm chí, rất nhiều phương tiện quá thời tạm giữ nhưng không có người đến nhận lại. Do đó, có những kho, bãi tạm giữ phương tiện vi phạm đã quá tải.
Đơn cử như tại Công an huyện Đắk Glong có tới gần 100 môtô quá thời hạn xử lý vi phạm. Mặc dù Công an huyện Đắk Glong đã ra thông báo nhiều lần, nhưng có rất ít người đến nhận lại phương tiện.
Theo cơ quan công an, có rất nhiều lỗi vi phạm sẽ bị tạm giữ phương tiện như: không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn; không có giấy đăng ký xe hoặc giấy đăng ký xe hết hạn; xe không gắn biển số; thay đổi kết cấu xe…
Hiện nay, việc xử lý vi phạm luật lệ giao thông được áp dụng theo Nghị định 100, Nghị định 123. Hầu hết lỗi vi phạm đều tăng nặng hơn nhiều so với trước đây. Vì vậy, nhiều người đã chấp nhận bỏ phương tiện.
Chia sẻ về việc này, anh S (trú tại thành phố Gia Nghĩa) cho biết, trước đây bản thân từng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe môtô với mức phạt hơn 7 triệu đồng. Trong khi xe đã cũ, trị giá chỉ vài triệu đồng. Vì vậy, anh đành chấp nhận bỏ xe.
Theo cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân người vi phạm không đến làm thủ tục để nhận lại phương tiện bị tạm giữ. Trong đó, nguyên nhân chính là do mức phạt cao hơn giá trị xe. Ngoài ra, một số xe vi phạm không có giấy đăng ký, xe đã bị thay đổi kết cấu.
Chẳng hạn trong số 75 môtô, xe máy vi phạm bị Công an huyện Đắk Glong tạm giữ, có tới gần 1/3 đã bị đục số máy, số khung. Điều đó có nghĩa là những xe này không có giấy tờ hợp lệ.
Cũng theo lực lượng công an, khi xe được xác định vô chủ, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp. Tính từ thời điểm xe bị tạm giữ đến khi xử lý được, ít nhất mất hơn một năm.
Điều này rất tạo áp lực cho cơ quan chức năng trong việc tạm giữ phương tiện vi phạm. Nó cũng dẫn đến nguy cơ hư hỏng tài sản của người dân.
Theo cơ quan chức năng, để hạn chế tình trạng chủ xe bỏ xe, cần phải áp dụng công nghệ số trong quản lý giấy phép lái xe, căn cước công dân và các giấy tờ liên quan khác.
Tất cả dữ liệu của người dân sẽ được tích hợp vào hệ thống. Sau đó, Cảnh sát giao thông sẽ tra cứu, biết được đầy đủ thông tin của người vi phạm. Nếu không đến nộp phạt, giấy phép lái xe sẽ bị vô hiệu…