Từ nói quá đến lừa dối công chúng
MC Cát Tường trong một quảng cáo sữa tự tin khẳng định công dụng của loại sữa này như… thuốc chữa bệnh xương khớp, có thể khiến người dùng lập tức hết bệnh chỉ sau thời gian ngắn. Hay trong một lần khác, cô còn đăng bài quảng cáo trá hình hoạt động “bói tử vi” trên trang Facebook gần 500.000 lượt theo dõi của mình. Sau khi bị dư luận phản ứng, cô lẳng lặng xóa bài đăng.
Nghệ sĩ Hồng Vân cũng từng xin lỗi khán giả khi quảng cáo về một viên sủi thảo dược. Cô giới thiệu thực phẩm chức năng này có tác dụng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, sản phẩm này đã bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo không đúng công dụng như quảng cáo.
Gần đây nhất, hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi như: Đức Thịnh, Ưng Hoàng Phúc, Ngân Quỳnh, Mỹ Uyên, Hoàng Sơn, Hoàng Mập… khiến dư luận xôn xao khi xuất hiện trong clip quảng cáo liệu trình “siêu giảm béo” sai sự thật của một phòng khám tại TP Hồ Chí Minh. Cơ sở này sau đó đã bị xử phạt và tước giấy phép hoạt động, tuy nhiên các nghệ sĩ tham gia tiếp tay vẫn không hề có phản hồi trước công chúng.
Sau khi bị báo chí lên án, nhiều người nổi tiếng đã âm thầm xóa bài viết, xem như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Điều này cho thấy sự thiếu trách nhiệm, lợi dụng niềm tin của công chúng để trục lợi từ vi phạm pháp luật của mình.
Một số ít nghệ sĩ xin lỗi, hứa hẹn đủ điều nhưng một thời gian sau lại bị công chúng phát giác đang quảng cáo “thổi phồng” về sản phẩm khác. MC Cát Tường bày tỏ mong muốn khán giả “bấm qua” khi thấy cô quảng cáo. Diễn viên Hương Giang cũng từng khẳng định cô “không làm sai” khi bị báo chí phản ánh việc quảng cáo “bói tử vi” trên mạng xã hội.
Thực tế trên cho thấy nhiều nghệ sĩ vẫn chưa nhận thức rõ hậu quả về hành vi vi phạm của mình. Hay chỉ quan tâm đến món lợi trước mắt mà vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Cũng có thể, họ biết rõ, nhưng vì thu nhập cá nhân của chính mình – cố tình phớt lờ quy tắc đạo đức? Khán giả đặt câu hỏi.
Chế tài mạnh tay
Ở mức độ vi phạm hành chính, khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cho biết: Các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… sẽ bị xử phạt từ 60 – 80 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin. Mặt khác, tùy vào tính đặc thù của sản phẩm được quảng cáo mà sẽ áp dụng các điều khoản xử phạt khác nhau.
Theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối, với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Luật Quảng cáo cần phải nghiên cứu bổ sung thêm các mức chế tài xử phạt cụ thể, đưa ra hướng dẫn dưới luật cụ thể hơn ở dạng diễn giải hoặc liệt kê. Đặc biệt, cần làm rõ hành vi thế nào là giới thiệu, nội dung thế nào sẽ cho thấy mục đích sinh lợi hoặc không sinh lợi theo quy định của Luật Quảng cáo.
Một số nghệ sĩ, người nổi tiếng có xu hướng đăng tải nội dung quảng cáo tinh vi hơn như chia sẻ trải nghiệm, kiến thức hay cảm xúc cá nhân về sản phẩm… Điều này khiến các cơ quan chức năng gặp khó xác định cá nhân đó có hành vi quảng cáo sai sự thật hay không.