Sở hữu căn hộ chung cư rộng 40m2, anh Hoàng Văn Chuyền (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, lúc mua gia đình anh cũng lo ngại khi chung cư không có sổ đỏ sau này sẽ giảm giá trị và khó bán.
“Nhiều căn hộ chung cư tại dự án đến nay vẫn chưa có sổ đỏ nhưng việc mua bán vẫn rất dễ dàng vì nhu cầu trên thị trường còn cao.
Căn hộ bên cạnh nhà tôi đang rao bán với giá 1,5 tỉ đồng để chuyển vào Nam sinh sống, thế nhưng chỉ sau một tháng căn hộ chung cư này đã có người mua lại với giá cao” – anh Chuyền nói.
Cũng sở hữu căn hộ 65m2 có 2 phòng ngủ với mức giá 1,5 tỉ đồng, chị Xuân (sinh sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, do công trình có nhiều vi phạm không được chủ đầu tư khắc phục, dẫn tới đa số các căn hộ tại đây đều không có sổ đỏ.
Tuy nhiên, chị Xuân chia sẻ khi bán lại, các căn hộ chung cư tại đây vẫn có lời hàng trăm triệu đồng so với thời điểm mua.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), nguồn cung căn hộ chung cư nội đô ngày càng đi xuống, đặc biệt là phân khúc bình dân, vừa túi tiền.
Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, chi phí vốn, nhân công ngày càng tăng cao kéo theo giá nhà mới cũng tăng.
Ông Đính phân tích, không chỉ các chung cư mới, các chung cư đã qua sử dụng thời gian qua cũng tăng giá mạnh.
Song, thực tế việc mua chung cư chưa có sổ đỏ, sổ hồng có thể sẽ gây ra nhiều rủi ro cho người mua. Do đó, trước khi xuống tiền người mua nhà cần cân nhắc kỹ tới yếu tố pháp lý.
Về giải pháp, ông Đính cho rằng, để tăng cung cho phân khúc nhà ở giá thấp cần phải có sự “hợp lực” từ hai phía như cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh gọn về thủ tục hành chính.
Việc tinh gọn quy trình này sẽ giúp tiến độ nhanh và thuận lợi hơn để các dự án sớm được triển.