Xem xét việc mở rộng đối tượng giảm thuế VAT
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13.5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, đa số ý kiến trong thường trực nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về giảm thuế VAT.
Việc này sẽ hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch COVID-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm nay.
Bà Chi cho rằng, so với Nghị quyết số 43/2022/QH15, dự thảo của Chính phủ đã mở rộng phạm vi giảm thuế VAT 2% để áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin…
Tuy nhiên, hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lí do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn.
Cũng theo bà Chi, trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 vào đầu năm 2022 khi ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã cân nhắc và loại trừ một số lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện áp dụng giảm thuế VAT. Vào thời điểm hiện nay, dự kiến thu ngân sách Nhà nước năm 2023 sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế VAT với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Chính phủ dự kiến số giảm thu là 35.000 tỉ đồng, tính toán cho phương án mở rộng phạm vi áp dụng cho tất cả các hàng hoá dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Tuy nhiên, với phương án chỉ áp dụng việc giảm thuế VAT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 thì dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước là 24.000 tỉ đồng.
Đề xuất giảm thuế VAT tương đối muộn
Bày tỏ đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn nên điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong dự thảo Nghị quyết cần quy định Chính phủ có trách nhiệm triển khai kịp thời. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của 2023.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tổ chức thực hiện như nào để khả thi vừa có phần giảm để kích cầu, lấy phần kích cầu đấy để bù vào phần hụt thu, có lợi cho cả người dân, doanh nghiệp nhưng không làm giảm thu ngân sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm, từ đầu năm 2023, các nhóm hàng hóa đã áp dụng mức thuế 10% theo quy định của Luật Thuế VAT. Việc đề xuất giảm thuế VAT vào thời điểm tháng 5.2023 là tương đối muộn, làm cho giải pháp giảm thuế suất thuế VAT không được thực hiện một cách liên tục nên chính sách không thật sự phát huy tác dụng đối với khu vực doanh nghiệp.
“Thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên việc tiếp tục thực hiện chính sách này là rất cần thiết”, ông Thanh nói và cho rằng Chính phủ đề nghị giảm thuế VAT đối với tất cả hàng hóa dịch vụ có thuế suất 10%, nhưng việc đánh giá tác động chính sách của Chính phủ còn định tính nên cơ quan thẩm tra và đại biểu không đủ thông tin.
Nếu làm rõ việc giảm thuế sẽ giúp kích thích tiêu dùng, tác động lan tỏa các lĩnh vực khác thì có thể mở rộng giảm thuế đối với tất cả các mặt hàng.