Thị trường nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thời gian qua chứng kiến mức giảm mạnh ở nhiều phân khúc khác nhau. Trong số này có khoảng 20 dự án có mức giảm giá đáng chú ý từ vài phần trăm đến gần 10%.
Tại Hà Nội, theo tìm hiểu của Lao Động và dữ liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng, một số dự án chung cư có mức giảm đáng chú ý như Home City (quận Cầu Giấy) giảm khoảng 5,6%, xuống mức 44,6 triệu đồng/m2; dự án South Tower (quận Hoàng Mai) giảm khoảng 6,1% xuống còn 26,2 triệu đồng/m2; Eco Dream (huyện Thanh Trì) giảm khoảng 5,3% xuống 34,1 triệu đồng/m2.
Tại TP Hồ Chí Minh, các dự án giảm giá bán đáng chú ý như The Grand Manhattan (quận 1) giảm 4,4% xuống còn 163,6 triệu đồng/m2; The Western Capital (quận 6) giảm khoảng 3,8% xuống 36,1 triệu đồng/m2; Satra Eximland (quận Phú Nhuận) giảm khoảng 4,3% xuống 44,8 triệu đồng/m2; Sài Gòn Intela (Bình Chánh) giảm khoảng 3,9% xuống 27,5 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cho hay các dự án nhà ở riêng lẻ cũng có xu hướng giảm giá giao dịch thứ cấp. Cụ thể tại Hà Nội, nhà ở riêng lẻ tại Khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) giảm khoảng 7,1% xuống mức 159,5 triệu đồng/m2; Khai Sơn City (Long Biên) giảm khoảng 8,1% xuống mức 167,2 triệu đồng/m2; An Khang Villa (Hà Đông) giảm khoảng 8,9% xuống mức 122,9 triệu đồng/m2; Lan Viên Villa (Gia Lâm) giảm khoảng 7,3% xuống mức 80,4 triệu đồng/m2; Khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức) giảm khoảng 6,9% xuống mức 90,1 triệu đồng/m2.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, các dự án nhà ở riêng lẻ cũng đồng loạt giảm giá như Jamona City (quận 7) giảm khoảng 7,1% xuống mức 134,9 triệu đồng/m2; Hưng Thái (quận 7) giảm khoảng 8,6% xuống mức 196,4 triệu đồng/m2; Dragon Village (quận 9) giảm khoảng 7,5% xuống mức 57,2 triệu đồng/m2; The Manhattan (quận 9) giảm khoảng 7,6% xuống mức 76,8 triệu đồng/m2; Gia Hòa (quận 9) giảm khoảng 9,1% xuống mức 105,9 triệu đồng/m2.
Thực tế các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thời gian qua gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cho hay việc lãi suất cho vay, tỉ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng cũng dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có tập đoàn giảm 30% đến 50% lực lượng lao động).
Ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam lâu nay sống được là nhờ cơ chế bán nhà hình thành trong tương lai, đây là giải pháp thông minh nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Rủi ro thường bị đẩy cho người mua nhà khi dự án bị chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng như cam kết. Nhưng với nhà đầu tư, đây là phương pháp vốn hiệu quả, khi đó tiền xây nhà là tiền của người mua nhà.