Giá vé phù hợp với khả năng chi trả của hành khách
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh mới đây đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh về góp ý phương án giá vé tuyến Metro số 1.
Theo phương án do Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) xây dựng, Metro số 1 có giá vé từ 9.000 đồng – 24.000 đồng/lượt; giá vé thanh toán bằng thẻ nạp tiền là 7.000-18.000 đồng/lượt.
Giá vé 1 ngày là 48.000 đồng và giá vé 3 ngày là 108.000 đồng (hai loại vé này không giới hạn lượt đi).
Giá vé tháng là 330.000 đồng cho khách phổ thông và 165.000 đồng cho học sinh, sinh viên.
MAUR đề nghị hỗ trợ 100% giá vé cho người dân trong một tháng đầu khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) khai thác vận hành thương mại.
Ngoài ra, MAUR đề xuất miễn phí giá vé cho người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, người có công với cách mạng. Ngoài các đối tượng ưu tiên, MAUR còn đề xuất miễn, giảm giá vé cho các đối tượng hành khách đặc biệt trong các ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3), Quốc tế thiếu nhi (1.6), ngày Thương binh Liệt sỹ (27.7),…
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, giá vé Metro số 1 tính theo quãng đường di chuyển tương đồng với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội. Đồng thời, với mức giá vé đề xuất từ 9.000 đồng – 24.000/lượt phù hợp với khả năng chi trả của hành khách.
Về đề xuất miễn phí vé đi Metro số 1 trong tháng đầu khai thác và miễn, giảm giá vé cho các đối tượng trong các ngày đặc biệt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng lưu ý chỉ thực hiện khi được cơ quan quản lý chuyên ngành có văn bản chấp thuận. Đồng thời, cần có phương án truyền thông kết hợp tổ chức bán vé và kiểm soát vé phù hợp đối với các đối tượng này nhằm đảm bảo công tác vận hành, đơn giản trong công tác triển khai và quản lý.
Hệ thống thu phí tự động lỗi thời
Một điểm đáng chú ý là hệ thống thu phí tự động (AFC) của Metro số 1 không hỗ trợ định danh đối với hành khách sử dụng vé tháng. Việc này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại đối với nhóm khách hàng có thu nhập thấp (công nhân, học sinh – sinh viên,…). Vì vậy, để thu hút được hành khách, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề nghị MAUR nghiên cứu phương án sử dụng loại vé tháng phổ thông, vé tháng học sinh – sinh viên theo hình thức kiểm soát vé khi ra vào cổng.
Về lâu dài, MAUR cần đầu tư nâng cấp hệ thống AFC của Metro số 1 để đảm bảo tính hiệu quả của các loại vé trên tuyến. Ngoài ra, MAUR cần nghiên cứu bổ sung các loại giá vé theo giờ, vé tháng liên tuyến… nhằm tăng nhiều loại hình vé, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của từng đối tượng sử dụng.
Hệ thống AFC của Metro số 1 lạc hậu do được thiết kế từ năm 2010. Cụ thể, hệ thống này chỉ hỗ trợ vé lượt, vé ngày và vé tích tiền. Các loại vé này không định danh nên không áp dụng được chính sách giảm giá cho học sinh, sinh viên, người khuyết tật… Việc mua vé, nạp tiền cũng hạn chế như không thể chuyển khoản, ví điện tử, thẻ tín dụng… Ngoài ra, hệ thống không liên thông với các loại hình giao thông khác như xe buýt, BRT…
Năm 2022, MAUR đã đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh chi hơn 159 tỉ đồng nâng cấp hệ thống AFC. Tuy nhiên, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh kiến nghị không nâng cấp vì không có phương án khả thi về vốn và sợ ảnh hưởng đến tiến độ chung của tuyến Metro số 1.
Do đó, việc nâng cấp hệ thống AFC của Metro số 1 sẽ triển khai sau, theo hướng xã hội hóa hoặc thuê dịch vụ, đảm bảo liên thông với hệ thống thanh toán của các loại hình giao thông công cộng khác.
Khởi công năm 2012, Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng. Toàn tuyến dài khoảng 20 km, từ ga Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức), gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao).
Dự án hiện đạt khoảng 95% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong năm nay và khai thác thương mại đầu năm 2024.