Vàng son ngày cũ
Hơn 30 năm về trước, dọc theo con đường chạy thẳng vào làng Bắc thì đâu đâu cũng xanh bóng tre. Tre từng là mạch nguồn giúp nghề đan lát nơi đây hưng thịnh, giữ sinh kế cho bao gia đình suốt nhiều thập kỷ.
Già làng Phạm Thị Dậu bộc bạch: “Nhớ thuở đó, tre là hồn cốt của làng. Nhờ những rặng tre xanh tốt, cứng cáp, dẻo dai mà thế hệ cư dân làng quê nghèo đã làm nên những chiếc thúng, sàng, mủng, nong, nia, dí… nuôi nấng bao phận đời. Dân làng ai cũng trân quý từng cây tre”.
Bà Trần Thi Nghị là thợ đan lát nức tiếng nhất làng thời ấy. Bà chia sẻ về bí quyết làm nghề: Muốn đan được loại thúng bền đẹp, khâu chọn tre rất quan trọng. Tre phải già, chắc, dai để dễ uốn cong. Khi mua tre về, phải ngâm dưới ao để giữ tươi, chống mọt, giữ độ bền chắc.
Tre ngâm sau khi vớt lên phải trải qua các công đoạn như chẻ nan, vót, róc vành, lượm, uốn cạp… mới hoàn thành sản phẩm. Tùy thuộc vào kích thước, cấu tạo mà thời gian hoàn thành sản phẩm thường từ 3 – 6 tiếng.
Theo ông Hán Minh Dũng – Phó Phòng Văn hoá và thông tin huyện Tam Nông, đan lát là ngón nghề đời nối đời trên đất Hiền Quan. Những năm 2012, làng Bắc có tới 80% hộ dân theo nghề, tổng doanh thu làng nghề đạt hơn 4 tỉ đồng/năm. Làng nghề đã có từ rất lâu và không ai nhớ gốc tích từ đâu.
Ngoài thúng to, thúng bé đã trứ danh khắp vùng, làng Bắc còn đan lát các loại rổ rá, nia, nong, dí nơm, rọ, bu… phục vụ nhu cầu sử dụng chủ yếu tại các trang trại, nhà hàng lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh.
“Tôi vẫn còn nhớ những ngày làng nghề đắt mối, đầu làng cuối xóm vang tiếng chẻ tre, vót nan suốt đêm ngày. Dù cho đôi bàn tay lúc nào cũng chi chít sẹo, dù công việc vất vả, nhưng ai nấy cũng say nghề. Vậy mà giờ đây, sản phẩm làng nghề ế ẩm, bí đầu ra. Lao động lành nghề cũng thưa dần rồi vắng bóng. Làng nghề đan lát nay chỉ còn là vàng son của ngày cũ” – cô Nghị thở dài tiếc nuối.
Khắc khoải nghề xưa
Xã hội phát triển, các mặt hàng túi nhựa, túi nilon trở nên tiện ích, giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với đồ đan lát thủ công, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, các sản phẩm, đồ dùng được đan lát thủ công ngày càng được cải tiến với diện mạo bắt mắt, chất liệu bền đẹp, dẻo dai và có tính ứng dụng cao hơn mây tre. Vô tình, một bộ phận người làm nghề đan lát truyền thống đang dần trở nên lạc hậu.
Trưởng làng nghề Phạm Văn Nghĩa cho biết: “Những năm gần đây số hộ dân làng nghề giảm đi đáng kể. Hiện làng chỉ còn khoảng trên 100 hộ, bằng 1/5 so với trước đây. Tổng doanh thu 3 năm trở lại đây chỉ đạt khoảng 1 tỉ đồng/năm. Hầu hết thợ thủ công đều là người cao tuổi, tranh thủ đan lát khi rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập”.
Tiền bán sản phẩm không thấm vào đâu so với công sức tạo ra thành phẩm nên nhiều người không mặn mà giữ nghề. Một thời gian dài vừa qua, những người làm nghề buộc phải bỏ ngang để tìm sinh kế mới. Thế hệ trẻ làng Bắc dần mất đi lửa nghề truyền thống.
Ông Lưu Văn Hiệu – Bí thư Đảng ủy xã Hiền Quan – cho biết: “Những năm qua, địa phương đã tạo điều kiện khuyến khích các hộ làm nghề đan lát mở rộng quy mô sản xuất, dạy nghề. Bên cạnh đó, vận động các bà con tham gia các chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm từ đó tạo cơ hội thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước thu mua, liên kế mở rộng thị trường”.
Cũng theo ông Hiệu, song hiện nay, phần lớn các hộ làm nghề còn hoạt động manh mún, sản phẩm đan lát làng Bắc chủ yếu là vật dụng sinh hoạt truyền thống, chưa có sự đa dạng, sáng tạo nên giá trị chưa cao nên khó cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường.