Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15.6.2022 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vi phạm, thu hồi các khoản trốn, lậu thuế, các khoản chi sai chế độ.
Về xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm về tài chính, ngân sách đối với quyết toán NSNN năm 2020 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (tính đến ngày 31.3.2023) như sau:
– Đối với tổ chức: Tổng số đề nghị xử lý 1.444, trong đó: Đã xử lý theo kết luận 1.295 tổ chức, chiếm 89,68%; Đang xử lý 127 tổ chức, chiếm 8,80%; Chưa xử lý 22 tổ chức, chiếm 1,52%.
– Đối với cá nhân: Tổng số đề nghị xử lý 2.735, trong đó: Đã xử lý 2.519 người, chiếm 92,1%; Đang xử lý 200 người, chiếm 7,31%; Chưa xử lý 16 người, chiếm 0,59%.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tại Nghị quyết số 82/2023/QH15, Quốc hội đã chấp thuận cho phép 24 địa phương được chuyển nguồn kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 sang năm 2022 là 5.016,674 tỉ đồng.
Đến nay, Chính phủ đã nhận được đầy đủ ý kiến của 24 tỉnh, thành phố, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện của các địa phương như sau:
– 7 địa phương không có nhu cầu chuyển nguồn để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong quyết toán ngân sách năm 2021 và 1 địa phương (tỉnh Hậu Giang) chỉ có nhu cầu chuyển một phần nguồn đã được Quốc hội cho phép, với tổng số kinh phí không có nhu cầu chuyển nguồn của 08 địa phương là 2.079,481 tỉ đồng.
– 17 địa phương có nhu cầu chuyển nguồn toàn bộ hoặc một phần (tỉnh Hậu Giang), với tổng số tiền 2.937,193 tỉ đồng. Trong đó 14 địa phương đã có ý kiến của Hội đồng nhân dân (HĐND)/Thường trực HĐND phê chuẩn số chi chuyển nguồn để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong quyết toán ngân sách năm 2021 là 1.509,94 tỉ đồng.
3 địa phương, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp số chuyển nguồn kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào quyết toán ngân sách năm 2021, số tiền 1.427,253 tỉ đồng (tỉnh Đắk Lắk là 91,706 tỉ đồng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 944,677 tỉ đồng, tỉnh Kiên Giang là 390,870 tỉ đồng).
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tổng hợp số liệu chuyển nguồn kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của 17 địa phương có nhu cầu vào báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 với tổng số tiền là 2.937,193 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, quản lý, điều hành chi NSNN năm 2021 chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.
Trong đó đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã đề ra; thực hiện chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán được giao; rà soát, cắt giảm mạnh các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, tập trung nguồn lực chi cho phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trong thực hiện, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn.
Một số bộ, ngành, địa phương chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỉ cương tài chính nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, thực hiện quyết toán ngân sách và gửi về Bộ Tài chính thẩm định, tổng hợp còn chậm và chưa đúng quy định.
Một số bộ, ngành gửi Báo cáo quyết toán về Bộ Tài chính chậm như: TP Hồ Chí Minh ngày 14.3.2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày gửi 1.11.2022; Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 20.12.2022; Bộ Khoa học và Công nghệ ngày gửi 12.12.2022; Bộ Ngoại Giao ngày 4.11.2022; Bộ Nội vụ ngày 21.11.2022; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ngày 11.11.2022; Bộ Xây dựng ngày 27.10.2022…