Tài xế xe dịch vụ “đói” vì mòn mỏi chờ hẹn đăng kiểm
Ông N.V.L (quê An Giang, ngụ Bình Dương) cho biết, cách đây khoảng 20 ngày, khi xe bị hư mang đi sửa thì phát hiện đến ngày 9.5 hết hạn kiểm định.
“Còn nửa tháng nữa xe hết hiệu lực đăng kiểm, tôi mới lật đật mang xe đến các trung tâm đăng kiểm, tuy nhiên các trung tâm không nhận và cho biết phải về đăng kí trước qua app hoặc website. Tôi đăng kí kiểm định tại Trung tâm đăng kiểm XCG 6103S thì được thông báo đến ngày 22.6 mới đến lịch hẹn”- ông N.V.L chia sẻ.
Ông N.V.L, quê ở miền Tây lên tỉnh Bình Dương thuê nhà, chạy xe dịch vụ sinh sống. Thu nhập từ việc chạy xe giúp ông L nuôi sống gia đình hàng ngày. Giờ xe hết hạn kiểm định phải nằm ở nhà khiến cuộc sống gia đình ông L gặp nhiều khó khăn.
“Giờ xe hết hạn đăng kiểm không chạy được. Bình thường trừ tiền xăng dầu, một ngày tôi cũng có thu nhập từ 300.000 – 500.000 đồng. Số tiền này cũng đủ để trang trải, lo cho gia đình. Nhưng giờ xe nằm ở nhà xem như gia đình mất nguồn thu nhập này trong khoảng 1,5 tháng chờ đợi”.
Doanh nghiệp vận tải thiệt hại nặng chờ đăng kiểm
Các công ty vận tải chở hàng hóa hoạt động ở Bình Dương cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều công ty, vì việc đăng kiểm không được mà công việc bị đảo lộn, mất thời gian, mất thêm chi phí…
Ông T.V.H – Giám đốc Công ty TNHH Vận tải H.L.S cho biết, doanh nghiệp có 20 đầu xe tải chở hàng. Trước đây, ông thường đưa xe đi đăng kiểm ở Bình Dương và ở thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Trong 1 tháng nay, không thể đăng kí được, ông T.V.H phải đưa xe ra Bình Thuận, Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu để đăng kiểm.
“Một xe đi ra Khánh Hòa đăng kiểm tôi phải bỏ thêm chi phí gần 10 triệu đồng. Ngoài ra, trong thời gian 2 ngày đi đăng kiểm, xe không chạy được lại phải thuê xe khác chạy giùm đơn hàng đã nhận. Vì vậy thiệt hại tăng thêm. Không riêng gì doanh nghiệp của tôi đâu, các công ty vận tải khác cũng gặp tình trạng tương tự”.
“Một đầu xe nuôi nhiều người lắm, tài xế, kế toán, nhân viên, rồi mua xăng dầu…. Xe không chạy, hàng hóa không chở được thì những người liên quan cũng không có việc làm, thu nhập giảm sút”- ông T.V.H chia sẻ.
Ngoài ra, ông T.V.H có khoảng 10 đầu xe tải hết hạn kiểm định, nằm bãi chờ lịch hẹn đăng kiểm. Xe không chạy tuy nhiên vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ.
Thừa nhận quá tải
Trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm đăng kiểm XCG 6103S thừa nhận hiện nay quá tải hồ sơ đăng kiểm. Lượng hồ sơ hẹn đăng kiểm qua website đã kéo dài từ nay đến tháng 7.2023. Trung tâm đăng kiểm có 2 chuyền hoạt động hết công suất từ 7h-18h mỗi ngày kiểm điểm định được khoảng 130-160 xe.
Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh có 12 trung tâm đăng kiểm, đến đầu tháng 4.2023 có 4 trung tâm dừng hoạt động. Như vậy chỉ có 8/12 trung tâm và 15/25 chuyền hoạt động. Vì vậy các trung tâm còn lại chịu áp lực rất lớn, không thể đáp ứng ngay việc kiểm định cho các xe.
2 kiến nghị giảm gánh nặng cho công ty vận tải
Ông T.V.H – Giám đốc Công ty TNHH Vận tải H.L.S, kiến nghị: “Cần có thêm văn bản cho phép đăng kiểm viên linh động trong kiểm định. Hiện nay vì sợ sai nên các đăng kiểm viên thận trọng quá mức việc kiểm định. Ví đụ, về lốp xe đã có quy định cho phép vỏ tương đương là được, mình in quy định mang theo nhưng đăng kiểm không chịu. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm đăng kiểm viên”.
Ngoài ra, ông T.V.H cũng kiến nghị không thu phí bảo trì đường bộ với những xe hết hạn kiểm định không lăn bánh, nhằm giảm bớt áp lực chi phí cho doanh nghiệp.