Cần khoảng 26 tỉ USD làm 220 km metro
Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường một ray với tổng chiều dài 220 km, tổng mức đầu tư gần 26 tỉ USD.
Nhưng đến nay, thành phố mới đang triển khai 2 dự án là tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) hơn 43.700 tỉ đồng và Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) gần 47.900 tỉ đồng.
Ngoài ra, dự án Metro số 5 – giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn) dài gần 8,9 km, tổng vốn 1,72 tỉ USD; Metro số 3A – giai đoạn 1 (Bến Thành – Bến xe Miền Tây) và Metro số 3A – giai đoạn 2 (Bến xe Miền Tây – ga Tân Kiên) dài gần 20 km với tổng vốn 2,9 tỉ USD đã có nhà tài trợ đăng ký vốn. Các tuyến còn lại đang kêu gọi đầu tư.
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR), nguồn vốn huy động theo hình thức đầu tư theo kênh ODA cho các dự án metro hiện cân đối được khoảng 6,5 tỉ USD, đạt khoảng 23% so với tổng nhu cầu vốn (gần 26 tỉ USD). Trong điều kiện vốn ngân sách còn khó khăn, vốn ODA là nguồn vốn quan trọng để đầu tư các dự án đường sắt đô thị. Tuy nhiên, hiện nay việc thu hút nguồn vốn ODA rất khó khăn khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, đồng thời việc quản lý, sử dụng vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn còn một số vướng mắc, bất cập.
Trong bối cảnh này, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là hai chủ đề đang được thành phố quan tâm để ứng dụng phát triển mạng lưới giao thông công cộng, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt đô thị. Mô hình này đã và đang được triển khai rất thành công ở Nhật Bản nên thành phố có thể học hỏi.
Theo ông Bùi Xuân Cường, hiện Thành phố đang đề xuất Quốc hội cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển, trong đó có đề xuất áp dụng mô hình TOD cho tuyến Metro số 1 và số 2. Khi được Quốc hội thông qua, Thành phố sẽ là địa phương tiên phong thực hiện TOD và đường sắt đô thị là hạt nhân.
Cần có một cơ quan đứng ra chủ trì
Mô hình TOD là phát triển đô thị với dân cư tập trung mật độ cao, qua đó nâng cao giá trị sử dụng đất trong khu vực bán kính 500 m từ các nhà ga đường sắt đô thị. Từ đó góp phần tăng lượng hành khách sử dụng hệ thống giao thông công cộng. Đồng thời, quỹ đất dọc các dự án metro nếu được quy hoạch, tổ chức đấu giá theo thị trường sẽ thu được một nguồn vốn khá lớn để tái đầu tư cho hạ tầng giao thông.
Ông Nguyễn Quốc Hiển – Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Ban chỉ thực hiện các dự án metro theo ranh đã được quy hoạch. Nếu muốn thực hiện thu hồi đất với diện tích rộng hơn trong vòng 500 – 800 m xung quanh nha ga để triển khai TOD thì không thực hiện được.
“Nếu nghị quyết đặc thù mới được Quốc hội thông qua sẽ tạo pháp lý quan trọng cho thành phố triển khai mô hình TOD. Ngay khi được thông qua, thành phố phải tập trung làm bởi quanh các nha ga metro đất rất quý và còn nhiều quỹ đất để phát triển theo mô hình này” – ông Hiển nói.
Tuy vậy, ông Hiển cho biết, khi triển khai TOD sẽ liên quan đến rất nhiều sở, ban, ngành. Kinh nghiệm của Nhật Bản là phải có một cơ quan đứng ra chủ trì việc này.
“Ở Nhật Bản có cơ quan phục hưng đô thị. Họ sẽ được thực hiện dựa trên một luật quy hoạch cho phép cơ quan này triển khai các bước quy hoạch, sau đó phát triển chỉnh trang diện tích đất không những trong mà bên ngoài ranh các nhà ga đô thị. Việc này để vừa tạo phát triển đô thị, vừa tạo thêm nguồn lực tài chính để phát triển các dự án đường sắt đô thị” – ông Hiển nói.